Quy định phong tỏa tài khoản nhận chuyển nhầm: Những ý kiến trái chiều

Lê Phan| 31/12/2019 07:00

Theo Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến gần đây, quy định bổ sung về việc ngân hàng có quyền phong tỏa tài khoản nhận tiền chuyển nhầm đã gây ra những ý kiến trái chiều.

Quy định phong tỏa tài khoản nhận chuyển nhầm: Những ý kiến trái chiều

Quy định phong tỏa tài khoản nhận chuyển nhầm khiến không ít người phản đối vì xâm phạm đến quyền tự do và quyền làm chủ tài khoản của khách hàng.

Từ trước đến nay, không ít vụ việc chuyển tiền nhầm tài khoản đã xảy ra và khổ chủ phải mất khá nhiều thời gian mới lấy lại được, hoặc thậm chí không thể lấy lại. Trong khi khách hàng luôn yêu cầu ngân hàng phải hoàn trả tiền vào tài khoản, thì phía ngân hàng theo quy định lại không được phép khoanh số tiền tài khoản nhận nhầm, nên sẽ không thể trích lại ngay tiền từ tài khoản này trả người chuyển.

Quy trình để xử lý các tài khoản nhận chuyển nhầm cũng mất khá nhiều thời gian và đôi khi phải nhờ đến công an nếu người nhận nhầm không hợp tác. Cũng cần biết, theo Khoản 1, Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015: "Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Còn tại điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, khi sử dụng số tiền bị chuyển nhầm trái phép sẽ bị phạt lên đến 100 triệu đồng và bị phạt tù cao nhất là 7 năm tù giam.

Như vậy, hành vi nhận tiền do người khác chuyển nhầm mà không trả lại là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp người nhận tiền chuyển nhầm không chịu trả lại, trong khi người chuyển nhầm do số tiền không đáng kể, lại e ngại các thủ tục rắc rối nên thường chấp nhận bỏ luôn.

Chính vì vậy, việc bổ sung quy định nhằm giúp ngân hàng có giải pháp bảo vệ khách hàng lỡ chuyển tiền nhầm bằng cách phong tỏa tài khoản nhận chuyển nhầm, tức ngăn chặn các hành vi rút tiền ra hoặc thanh toán các sản phẩm, dịch vụ khác. Quy định này cũng còn nhằm bảo vệ chính ngân hàng, vì quá khứ cho thấy khá nhiều trường hợp chính ngân hàng chuyển nhầm tiền vào tài khoản khách hàng do bút toán sai sót.

Link bài viết

Tuy nhiên, quy định này khiến không ít người phản đối vì xâm phạm đến quyền tự do và quyền làm chủ tài khoản của khách hàng, vì rõ ràng việc chuyển nhầm vào tài khoản của họ không phải xuất phát từ lỗi hay sai sót của người này.

Một số lo ngại cho rằng, trong một số trường hợp, quy định này có thể bị lợi dụng trong các vụ tranh chấp tài sản, đơn cử như trong một giao dịch, sau khi bên mua chuyển tiền thành công, bên bán hàng hoàn toàn tin tưởng giao hàng, nhưng sau đó bất cứ khi nào cũng có thể bị phong tỏa tài khoản và không nhận được tiền nếu bên mua thông báo rằng mình chuyển nhầm. Thậm chí không loại trừ khả năng một ai đó muốn phong tỏa tài khoản một người nào đó thì có thể tạo tình huống gửi nhầm tiền.

Cũng có ý kiến cho rằng lỡ chuyển nhầm tiền là do sai sót của chính nhân viên ngân hàng, thì chẳng lẽ khách hàng phải lãnh đủ vì sơ suất này? Bên cạnh đó, việc đơn phương phong tỏa tài khoản cũng được cho là vi phạm luật dân sự, vì ngân hàng không có thẩm quyền như cơ quan tố tụng để có thể xác nhận là chuyển nhầm tiền.

Đầu tiên, cần biết rằng việc phong tỏa tài khoản theo quy định mới là chỉ phong tỏa đúng số tiền được xem là chuyển nhầm, chứ không phải phong tỏa toàn bộ tài khoản, do đó các khoản tiền còn lại trong tài khoản nhận chuyển nhầm vẫn được sử dụng bình thường.

Đối với khả năng lợi dụng quy định để "chơi nhau", các ngân hàng cũng yêu cầu cần phải có hướng dẫn chi tiết phân biệt thế nào là khoản tiền chuyển nhầm để phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của người chuyển tiền.

Đáng lưu ý, NHNN quy định việc phong tỏa tài khoản thanh toán nếu trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì bên ra lệnh phong tỏa tài khoản phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong những trường hợp cố tình "gài nhau", ngụy tạo tình huống để giành lợi thế, như trong các thương vụ đấu thầu, thì khi điều tra phát hiện ra và người bị phong tỏa tài khoản xác định được thiệt hại, bên ra lệnh phong tỏa phải chịu trái nhiệm bồi thường những thiệt hại này.

Trong các trường hợp như tài khoản thanh toán gian lận, vi phạm pháp luật thì ngân hàng cũng có quyền phong tỏa. Trong bối cảnh gian lận trong lĩnh vực thanh toán, trong đó có tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, thì việc bổ sung quy định này càng cấp thiết để có thể ngăn chặn tội phạm rút tiền ra sau khi đã lừa đảo thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy định phong tỏa tài khoản nhận chuyển nhầm: Những ý kiến trái chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO