![]() |
Tuần làm việc cuối cùng kỳ họp thứ sáu của Quốc hội sẽ được mở đầu bằng hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là sự kiện được truyền hình, phát thanh trực tiếp và luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước. Hôm 22/11, người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
Theo thông báo của đoàn thư ký kỳ họp do chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời tập trung vào ba nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất gồm quy hoạch, kế hoạch và lộ trình, tiến độ xây dựng nhà máy điện (nhất là nhiệt điện); bảo đảm an toàn nhà máy, đập nước, hạn chế rủi ro của hệ thống nhà máy thủy điện; vấn đề thiếu điện, cắt điện, giá điện; quan hệ giữa đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối, truyền tải điện.
Nhóm thứ hai gồm điều hành xuất nhập khẩu (nhất là than, muối, hàng cao cấp xa xỉ, phế thải công nghiệp...); giá cả tăng nhanh. Nhóm thứ ba gồm tính an toàn của việc khai thác và chế biến bôxit ở Tây Nguyên; ý kiến và chủ trương của bộ với những ý kiến đề nghị xem xét lại dự án này sau sự cố vỡ bể chứa bùn đỏ ở Hungary.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trả lời tập trung vào ba nhóm vấn đề: Thứ nhất là việc giảm tải một số bệnh viện - những việc đã làm, thực trạng và biện pháp sắp tới. Thứ hai là việc phát triển công nghiệp dược; quản lý sản xuất, chất lượng và giá thuốc nói chung, giá thuốc trong các bệnh viện công nói riêng; dự trữ một số loại thuốc phòng dịch bệnh; việc tăng viện phí. Thứ ba là phòng chống dịch bệnh, ô nhiễm trong hoạt động y tế và thực hiện chương trình phòng chống HIV/AIDS - thực trạng và biện pháp.
Sáng 24/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn.
Trả lời hầu hết kiến nghị của cử tri
Theo dự kiến, sáng nay 22/11, trước khi bước vào hoạt động chất vấn, trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII (vào tháng 5/2010).
Báo cáo cho hay tính đến ngày 5/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời đối với 1.234 kiến nghị (chiếm 98,4%), hiện còn 20 kiến nghị (chiếm 1,6%) chưa nhận được văn bản trả lời. Đa số kiến nghị đã được tiếp thu và giải quyết là về chính sách phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri cho thấy các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hoạt động điện lực; việc lập quỹ bình ổn giá xăng dầu và việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng gian lận trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu; việc thực hiện một số quy định về bảo hiểm y tế được cử tri rất quan tâm.
Đại biểu Quốc hội và các bộ trưởng nói gì? * Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Nên tập trung chất vấn các vấn đề khái quát Kỳ họp vào đầu năm 2011 sẽ là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII, một kỳ họp mang tính chất tổng kết. Theo ý kiến cá nhân tôi, tại kỳ họp này chất vấn có thể tập trung vào những vấn đề khái quát hơn là những vấn đề cụ thể, đó là về vai trò của Chính phủ, vai trò của các bộ ngành... trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Chính phủ đừng bao giờ nghĩ mình bị chất vấn mà hãy coi là được chất vấn. Diễn đàn Quốc hội là chỗ chúng ta có thể làm sáng tỏ mọi vấn đề một cách tốt nhất, công khai nhất, minh bạch nhất và được nhiều người quan tâm nhất. Các đại biểu Quốc hội có dịp để phân tích vấn đề và Chính phủ có dịp làm sáng tỏ những ý kiến chưa đúng hoặc tiếp thu những ý kiến chính xác. * Đại biểu HUỲNH NGỌC ĐÁNG (Bình Dương): Bao giờ hết thiếu điện? Tôi rất quan tâm đến vấn đề thiếu điện hiện nay. Trong các điểm nghẽn về hạ tầng như đường giao thông thì địa phương có thể năng động để làm, nhưng điện thì không. Tôi chỉ hỏi liệu địa phương có cơ chế nào để tự lo điện được hay không. Cơ chế hiện nay giao cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lo điện, nhưng EVN để thiếu điện, địa phương cũng khó có cơ chế tự tìm cách phát triển nguồn điện. Nên cái dở là thiếu điện hiện nay cứ đổ qua đổ lại chuyện này chuyện nọ. Bộ trưởng Bộ Công thương cần giải đáp cặn kẽ các vấn đề này. * Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải HỒ NGHĨA DŨNG: Sẵn sàng trả lời các câu hỏi Nếu đại biểu Quốc hội có chất vấn trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải thì tôi sẵn sàng trả lời. Về Vinashin, tôi nghĩ rằng tập đoàn này đang có rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua, một số tiền đề quan trọng để thực hiện được đề án tái cơ cấu và phát triển tập đoàn đang dần được hé mở. Tôi muốn nói rằng chúng ta xử lý nghiêm những sai phạm, đồng thời phải tuyên truyền tích cực để động viên, cổ vũ giúp Vinashin vượt qua cơn khủng hoảng này. * Đại biểu HUỲNH NGHĨA (Đà Nẵng): Giá thuốc cao, tại sao? Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời tôi bằng văn bản về việc giá thuốc cao, trong đó có nêu giá thuốc so với một số mặt hàng khác thì tăng chỉ ở mức vừa phải. Tôi thấy trong trách nhiệm của Bộ Y tế, bộ trưởng trả lời thế thì ghi nhận như thế. Tuy nhiên, trên hội trường, tôi sẽ cân nhắc chất vấn thêm. * Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN QUỐC TRIỆU: Chỉ một số thuốc biến động giá Thị trường thuốc hiện nay có trên 22.000 mặt hàng, chúng tôi nhận thấy 95% trong số này thuộc nhóm “thị trường hoàn hảo”, có đủ số lượng mặt hàng và cạnh tranh công khai minh bạch. Nhóm “thị trường không hoàn hảo” chỉ chiếm 5% gồm các thuốc chuyên khoa, đặc trị, hàng xách tay, thuốc hiếm, thuốc còn thời hạn bảo hộ nhãn hiệu. Trong số này có khoảng 30 mặt hàng độc quyền thường xuyên biến động giá, gây bức xúc cho đời sống của người dân. |
Ý kiến cử tri * Bà BÙI CHÍNH TÂM (phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội): Đừng “đánh trống bỏ dùi” Luật an toàn vệ sinh thực phẩm đã được Quốc hội thông qua nhưng hình như còn “đánh trống bỏ dùi”. Quán cơm bình dân ai kiểm tra? Rau sạch lấy gì chứng minh đó là rau sạch, Nhà nước có quản lý được đó là rau sạch không? Tôi không mua rau sạch dù rất muốn vì không biết có đúng là rau sạch hay không? * Bà LÊ THỊ HÀ (Q.Bình Tân, TP.HCM): Chúng tôi muốn nghe các giải pháp cụ thể Tôi thấy những chuyện như ùn tắc giao thông, ngập lụt ở các thành phố lớn... kỳ nào cũng nói tới, cũng đưa ra giải pháp nhưng tình hình vẫn phức tạp. Chẳng hạn như chuyện lũ lụt, năm rồi Quốc hội mổ xẻ chuyện thủy điện xả lũ làm ngập nhà dân ở hạ nguồn và khi chất vấn ở hội trường thì lộ ra do chưa có quy trình vận hành liên hồ chứa nên mạnh ai nấy xả và không ai chịu trách nhiệm. Đến lần này cũng vậy, thấy báo đăng một số hệ thống sông đã có quy chế vận hành liên hồ của các thủy điện nhưng xả vẫn xả và ngập vẫn ngập. Mấy ngày sau đó lại thấy Bộ Công thương rồi các chủ đầu tư thủy điện tổ chức hội thảo về xả lũ và cũng toàn nói rằng mình bị oan. Lần này, tôi kiến nghị nếu đại biểu có chất vấn bộ trưởng hoặc Thủ tướng thì Quốc hội nên dành đủ thời gian để phân xử chuyện này cho rõ đúng sai và giải pháp ra sao. |