Phòng cháy chữa cháy nhiều phi lý: Doanh nghiệp như ngồi trên lửa

Lê Hạnh - Ý Nhi| 11/04/2023 06:11

Khó khăn về vốn, sụt giảm đơn hàng, hàng tồn kho tăng cao… khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lâm vào tình thế khó khăn, nay nhiều quy định chồng chéo, phi lý của phòng cháy chữa cháy (PCCC) lại làm cho DN thêm cảnh đứng ngồi không yên.

Quá nhiều quy định phi lý, không cần thiết...

Chiều muộn 8/4/2023, trong tâm trạng đang bị bủa vây của nhiều khó khăn trong kinh doanh, sản xuất, một số doanh nhân chia sẻ, họ đang rất đau đầu vì đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, nay quy định mới về PCCC lại như thêm dầu vào lửa, khiến DN cảm thấy sức mòn của họ đang bị vắt cạn.

Chuyện tưởng như đùa ở một thời buổi kinh tế hội nhập và mở cửa như hiện nay, nhưng lại là sự thật  khi một doanh nhân than rằng, vừa có bài báo phản ánh đúng nỗi khổ của DN chúng tôi: "Chỉ một đêm ngủ dậy, chúng tôi từ làm đúng bỗng thành sai". 

Giám đốc một công ty gỗ xuất khẩu cho biết, suốt tuần qua công ty của bà và nhiều DN cứ thấp thỏm, đứng ngồi không yên khi tình hình xuất khẩu giảm sút và nhiều khó khăn, lại thêm quy định PCCC không biết thực hiện thế nào, vì muốn làm đúng theo yêu cầu cũng khó.

Theo Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), hiện nay rất nhiều DN trong hội điêu đứng vì các quy định PCCC, nhiều trường hợp đầu tư xây dựng nhà xưởng nhưng không hoạt động được vì không thể nào đáp ứng tiêu chí và quy định của PCCC. Quy định về PCCC quá cứng nhắc chẳng khác nào thêm một "chốt chặn" đối với sự phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của DN.

Đa số DN cho rằng, Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình) do Bộ Xây dựng ban hành nhiều bất cập và cứng nhắc. Chẳng hạn như quy định cầu thang từ tầng trệt nếu dùng kết cấu thép, bắt buộc phải sơn chống cháy đạt tiêu chuẩn chống cháy 60 phút, dù lối lên lửng chỉ khoảng 3m và bất kể là mấy tầng. Hay tại các nhà xưởng, dù lượng người lao động làm việc ít và gần như thuộc nằm lòng đường đi lối lại nhưng quy định về PCCC lại áp dụng chung những tòa cao ốc, trung tâm thương mại tập trung đông người.

Bà Nguyễn Thụy Trúc Linh - Giám đốc Công ty Sản xuất nhôm hợp kim Bell cũng cho biết: "Nhiều bất cập và phi lý khác.Ví dụ quy định yêu cầu phải trang bị quá nhiều thiết bị, rất tốn kém mà không cần thiết, thậm chí nhiều thiết bị DN không bao giờ dùng đến cũng phải trang bị để đó. Hết hạn thời gian thì phải mua mới để thay. Song bất hợp lý là nhiều công ty nằm trong khu công nghiệp như chúng tôi, phải thuê mặt bằng giá rất cao nhưng quy định yêu cầu phải chừa một khoảng đất với diện tích lớn cho PCCC".

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group cũng chia sẻ: "Tôi vừa trở về từ chuyến công tác nước ngoài và cũng được nhân viên báo cáo khá bức xúc khi quy định PCCC đang làm khó DN và không thực tế. Đơn cử, theo quy định yêu cầu bức tường của nhà xưởng, công ty phải đảm bảo giữ được 90 phút hay 60 phút khi cháy to. Thực tế, không có DN nào thực hiện và làm được vì chỉ cần 15 phút cháy to là các bức tường có thể cháy hết".

Một thành viên trong Hiệp hội PCCC và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam (đề nghị giấu tên) cũng cho biết, bất cập ở chỗ quy chuẩn về kết cấu chịu lực, các vấn đề về khói, bụi khí đã được đưa ra áp dụng nhưng quy định kèm theo thì chưa có. Đáng nói là tiêu chí về hút khói cũ thì không còn phù hợp, dẫn đến các hồ sơ dự án không thể thẩm duyệt được.

Về việc yêu cầu các vật liệu phải đạt chuẩn CV1, CV2, CV3… và tính năng cháy của các nhóm vật liệu cũng rất khó khăn. Vì muốn chứng minh phải qua công an nhưng hiện nay lại rất ít nhà sản xuất hoàn tất thủ tục thử nghiệm.

Về thủ tục thẩm duyệt, vị doanh nhân này cho biết, việc yêu cầu các thủ tục về pháp luật liên quan đến xây dựng cũng phi lý. Ví dụ, DN kinh doanh karaoke, quy định bắt buộc phải làm bằng vật liệu không cháy từ các vật liệu cách âm, trang trí, vật dụng như ghế, bàn, tường… và bất kể phòng lớn, nhỏ đều phải áp dụng thì dường như không khả thi. Nghĩa là quy định không thực tế vì nhiều vật liệu quy định không có sẵn. Vì thế, điều này chỉ có thể yêu cầu cấm các vật liệu dễ cháy hoặc gây khói độc chết người như cách âm bằng xốp gây độc nên cấm là khả thi và hợp lý.

Về tiêu chuẩn, ông tiếp: "So tiêu chuẩn của Việt Nam đang áp dụng toàn dịch thuật từ tiêu chuẩn nước ngoài, hiện nay không đi theo trường phái, hệ tiêu chuẩn nào, mà cứ lấy tiêu chuẩn của Mỹ, Singapore, Nga… mỗi chuẩn một đoạn. Mà chủ yếu là chuẩn của Nga nên nhiều bất cập vì phần lớn vật liệu của Nga phần lớn là hữu cơ, của Việt Nam là vô cơ không cháy. Hơn nữa, do khí hậu lạnh nên nhà của người dân Nga cần có hệ thống sưởi trong vách nhà nên họ cần giới hạn chịu lửa cao để chống cháy. Vì vậy, khi áp vào môi trường của Việt Nam là không phù hợp.

Đại diện một hội DN tại TP.HCM chia sẻ thêmdù với quy định cũ hay mới, nếu DN tự xây dựng hồ sơ thiết kế PCCC rồi chuyển sang ngành công an thẩm tra, khi hoàn thiện công trình, để được nghiệm thu sẽ vô cùng gian nan. Cụ thể, khi thẩm định hồ sơ không đạt, phía công an thường trả lời chung chung là "chưa được" và cứ như vậy, DN làm hoài không xong. Bên cạnh đó, một số nhà xưởng khi xây dựng xong có điều chỉnh so với thiết kế ban đầu, dù rất ít nhưng khi các cơ quan chức năng thẩm duyệt theo quy định PCCC thì DN gần như phải làm lại hồ sơ và thẩm định lại từ đầu.Để tránh tình trạng này, DN phải chấp nhận đội chi phí và thuê người thân quen, giao khoán cho họ thì may ra tiến độ mới có thể nhanh được.

Bà Linh đặt câu hỏi: "Liệu có công bằng không khi DN tự trang bị các hệ thống PCCC thông qua các đối tác bên ngoài (không nằm trong danh mục các đơn vị của PCCC) thì xem như không được nghiệm thu và cấp giấy đạt yêu cầu. Trong khi giá mua từ các đơn vị có chức năng PCCC thì cao hơn giá mua ngoài".

Các quy định PCCC đang làm khó cho nhiều DN, một số DN thậm chí phải ngưng hoạt động.

Các quy định PCCC đang làm khó cho nhiều DN, một số DN thậm chí phải ngưng hoạt động

Cần tháo gỡ ngay bất cập 

Ngày 5/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 220/CĐ-TTg chỉ đạo việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, cần phải có những quy định, hướng dẫn cụ thể, thiết thực hơn nữa từ Bộ Xây dựng và Bộ Công an thì mới có thể tháo gỡ triệt để những vướng mắc, giúp cải thiện "sức khỏe" DN trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay.

Ngày 8/4/2023, HAMEE cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do những quy định cứng nhắc trong công tác PCCC, trong đó có những yêu cầu và tiêu chuẩn về PCCC khiến rất nhiều DN bị xử phạt hành chính và bị đình chỉ hoạt động, người lao động mất việc làm hàng loạt, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Trong bối cảnh khó chồng khó hiện nay, DN cho rằng cần có lộ trình, lùi thời điểm áp dụng quy định PCCC mới, hoặc chỉ một số DN trong các nhóm ngành nghề đặc biệt, có nguy cơ cao thì mới cần phải áp dụng quy định mới này.

Điều mà các DN mong mỏi lúc này là cùng với sự quyết liệt của Chính phủ thì hai cơ quan trực tiếp thụ lý việc này là Bộ Xây dựng và Bộ Công an phải cùng thảo luận và tìm cách gỡ khó cho DN thông qua việc xem xét nới lỏng quy định PCCC mà không ảnh hưởng tới an toàn con người và của cải. Cụ thể, đối với các công trình đã triển khai xây dựng theo quy định cũ, chưa được nghiệm thu PCCC, hoặc với các nhà xưởng đang hoạt động theo quy định PCCC cũ tiếp tục được cấp phép hoạt động thay vì ngưng sử dụng, tạm đình chỉ, đồng thời phân loại những nhóm ngành nghề có nguy cơ mất an toàn cao để siết chặt về PCCC, thay vì cào bằng như hiện nay.

Một số đề nghị thay đổi 

Thứ nhất, về tiêu chuẩn thử nghiệm, Việt Nam đang lấy tiêu chuẩn của Nga, tính toán cũng từ Nga dẫn đến thông số sai. Thông số nhiệt độ của Việt Nam là 20 độ C mà công thức của Nga là thấp hơn. Vậy nên, cần thống nhất nghiên cứu một tiêu chuẩn phù hợp với môi trường, khí hậu Việt Nam. Ví dụ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… hoặc tiêu chuẩn nào đó mang tính chất quốc tế nhưng phù hợp Việt Nam. 

Về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho kết cấu chịu lực thì công trình được duyệt vào thời điểm nào, đã được thẩm định, nay DN tiếp tục cải tạo mà kết cấu chịu lực không thay đổi thì nên cho áp dụng quy chuẩn đó. Nếu tiêu chuẩn mới đã có hiệu lực nhưng các tiêu chuẩn trước đó đã được DN thực hiện, có lợi cho DN thì cho DN được lựa chọn những nội dung có lợi để thực hiện. Ví dụ, quy chuẩn trước tháng 6/2022 có một số nội dung có lợi hơn thì cho phép DN được lựa chọn quy chuẩn đó nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho việc PCCC và công trình. Nói chung là phải linh hoạt.

Thứ hai, về chi phí đầu tư, cũng do tiêu chuẩn áp từ Nga nên yêu cầu rất cao, dẫn đến chi phí đầu tư rất cao và rất phi lý nên cần thay đổi lại tiêu chuẩn phù hợp khả năng thực tế và chi phí đầu tư.

Thứ ba, về việc kiểm định phương tiện PCCC, hiện các thiết bị từ các nước Mỹ, Anh, Nhật Bản có tiêu chuẩn cao và đã theo tiêu chuẩn ISO nhưng khi nhập thiết bị từ các nước này về Việt Nam cũng phải làm thủ tục kiểm định lại, làm tăng giá thành. Và quan trọng là thủ tục kiểm định rất rườm rà, từ đó làm cản trở sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, giải pháp là Nhà nước, cơ quan quản lý phải có thông tin rõ ràng, ví dụ thiết bị PCCC đó đạt tiêu chuẩn nào thì về Việt Nam không cần kiểm định, chỉ cần nhà kiểm định thông báo lô hàng đã kiểm định quốc tế và dán tem kiểm định, chỉ kiểm tra nhưng sản phẩm của các nước nhập khẩu chưa có chất lượng chưa cao.

Thứ tư, hiện các lô hàng nhập khẩu thiết bị về kiểm định rất lâu, nhanh nhất là 30 ngày. Mà trong 30 ngày đó, DN bị chôn vốn ở đó, họ phải chịu lãi suất mỗi ngày nên đội chi phí. Thủ tục nghiệm thu cũng khó khăn phức tạp, từ đó dẫn đến chi phí đầu tư cho hệ thống PCCC của DN có thể tăng 100% so với trước đây.

Thứ năm, về thủ tục pháp lý của công trình, cần phải rõ ràng trách nhiệm giữa đơn vị quản lý PCCC và xây dựng. Việc liên quan đến xây dựng thì cơ quan xây dựng chịu. Đối với an toàn cháy thì PCCC chịu. Các thủ tục trong PCCC như công tác kiểm định phương tiện PCCC cũng phải đơn giản hóa, cơ quan PCCC chỉ làm đúng chức năng là kiểm định về phương tiện PCCC, kiểm định hàng hóa lưu thông trong nước và nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn thì mới kiểm định, còn không thì không cần kiểm định để giảm bớt chi phí cho DN. Ngoài ra, các vật liệuliên quan đến gạch chịu lửa, hệ thống hút khói, bảo vệ chống khói… thì cơ quan xây dựng phải chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, chứ hiện nay giao cho PCCC chịu trách nhiệm kiểm tra luôn là rất phi lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phòng cháy chữa cháy nhiều phi lý: Doanh nghiệp như ngồi trên lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO