Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài

MH| 17/04/2020 08:30

Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, không tính được bằng tuần, mà tính bằng tháng. Trừ khi có vắc xin, thuốc đặc trị mới nghĩ đến việc dập tắt được dịch".

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương chiều 17/4/2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: "Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, không tính được bằng tuần, mà tính bằng tháng. Trừ khi có vắc xin, thuốc đặc trị mới nghĩ đến việc dập tắt được dịch". Ông kêu gọi các tổ chức, cá nhân tạo ra những thay đổi tích cực để "sống chung với dịch Covid-19".

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, nhiều người dân bắt đầu đề cao ý thức cộng đồng, kỷ luật, kỷ cương trong sinh hoạt, giao tiếp, vệ sinh hằng ngày. Mặt khác, tinh thần hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau cũng được phát huy trong thời gian dịch bệnh khó khăn.

Theo Phó thủ tướng, phải hiểu về đặc tính, cơ chế lây lan của virus để có những biện pháp phòng, chống Covid-19 như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người... Ông kêu gọi các tổ chức, cá nhân tạo ra những thay đổi tích cực để "sống chung với dịch Covid-19".

6 việc cần phải thực hiện tốt để "sống chung với dịch Covid-19":

1. Đầu tiên là trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Từ ăn ở hợp vệ sinh mùa dịch, lau chùi nhà cửa, để thông thoáng, luyện tập, tinh thần… đến việc đảm bảo an toàn trong khám chữa bệnh. Chỉ tới cơ sở y tế khám bệnh khi thực sự cần thiết, sau khi đã liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải quán triệt tinh thần coi người đến khám là người có nguy cơ lây nhiễm (F1) để có giải pháp đảm bảo an toàn cho người khám, người tới khám và tất cả mọi bệnh nhân, nhân viên trong cơ sở y tế.

2. Thứ hai là học tập an toàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng học tập an toàn với các giải pháp rất cụ thể cho từng vùng, từng cấp học, từng loại hình trường lớp. Mấy tháng qua đã có các hướng dẫn và chuẩn bị rồi, nay cần rà soát, bổ sung và thực hiện phù hợp để khi dịch bệnh kiểm soát được rồi thì học sinh đi học trở lại phải an toàn.

3. Thứ ba là đi lại phải an toàn. Chúng ta hạn chế ra ngoài, đi lại khi không thật sự cần thiết nhưng khi cần thiết thì đi lại phải an toàn. Cần có quy định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách tới taxi, xe ôm. Ví dụ taxi và kể cả xe ôm thì khẩu trang như thế nào, xịt tay khi lên, xuống xe như thế nào…

4. Thứ tư là sản xuất, kinh doanh an toàn. Từ nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn rất cụ thể ơt từng địa phương. Đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn kể cả khi cầm tiền, thanh toán… như thế nào cho an toàn.

5. Thứ năm là các hoạt động của các cơ quan công quyền an toàn. Đặc biệt là việc tổ chức các sự kiện cần có nhiều người tham gia phải có phương án thật chi tiết đảm bảo đúng các hướng dẫn về phòng dịch.

6. Thứ sáu là sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch. Trước mắt chúng ta chưa cho phép tập trung đông người. Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp đảm bảo an toàn. Các cơ sở lưu trú không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về y tế thuần túy mà cả các yêu cầu về khai báo lưu trú… đáp ứng yêu cầu chống dịch. Ngành văn hóa, du lịch cần chủ động hoàn thiện các quy định, hướng dẫn để sẵn sàng khi tình hình dịch được kiểm soát tốt sẽ từng bước mở lại các hoạt động trên tinh thần phải đảm bảo an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO