Phiên chợ hàng Việt về Củ Chi: thiết thực và chu đáo hơn

19/05/2010 08:18

Không chỉ bày bán sản phẩm, phiên chợ hàng Việt ở Củ Chi (TP.HCM, 28 - 30/5/2010) còn nhiều hoạt động thiết thực, gần gũi với đời sống người dân hơn.

Phiên chợ hàng Việt về Củ Chi: thiết thực và chu đáo hơn

Không chỉ bày bán sản phẩm, phiên chợ hàng Việt ở Củ Chi (TP.HCM, 28 - 30/5/2010) còn nhiều hoạt động thiết thực, gần gũi với đời sống người dân hơn.

Quy mô hơn, phong phú sản phẩm hơn

Càng về chiều tối, lượng người mua sắm tại phiên chợ Hàng Việt về Củ Chi (năm 2009) càng tăng. Ảnh: Hậu Vỹ

Năm rồi, phiên chợ hàng Việt về Củ Chi (do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM - ITPC tổ chức) bán hàng lưu động trong một ngày (29.8.2009) khiến nhiều người dân tiếc nuối. Năm nay phiên chợ quy mô hơn với 50 gian hàng trưng bày bắt mắt và diễn ra trong ba ngày (từ ngày 28 – 30/5/2010) để người dân có cơ hội mua sắm nhiều hơn.

Các ngành hàng tham gia phiên chợ khá phong phú như lương thực, thực phẩm (gạo, đường, muối, dầu ăn, nước chấm các loại, gia vị, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, mì ăn liền, trứng, sữa), dệt may, da giày, nhựa gia dụng, điện gia dụng, văn phòng phẩm, vật tư nông nghiệp, thức uống, hóa mỹ phẩm, dịch vụ giáo dục, bảo hiểm, du lịch… Ngoài ra, phiên chợ còn bày bán các các sản vật địa phương.

Nét mới của phiên chợ lần này là phục vụ thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa bị thiệt thòi do thiếu các phương tiện vui chơi, đồ chơi, dụng cụ sách vở. Phiên chợ diễn ra vào những ngày cuối tháng 5, giúp không khí tết thiếu nhi 1.6 ở các vùng xa thành phố sôi động hơn với các sản phẩm dành cho thiếu nhi như đồ chơi, truyện thiếu nhi...

Đồng thời, hướng tới nhu cầu thưởng thức World Cup 2010, phiên chợ còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp hàng kim khí điện máy cung cấp các phương tiện nghe nhìn như truyền hình, radio. Ngoài ra, các sản phẩm như mì tôm, bánh snack… cũng tham gia phục vụ nhu cầu “lai rai” khi xem bóng đá cho người dân.

Phiên chợ còn có sự tham gia của một số nhà phân phối dược phẩm thông dụng, đảm bảo chất lượng để phục vụ cho đồng bào vùng sâu.

Hoạt động thiết thực, thu hút quan tâm của người dân vùng sâu là chương trình tư vấn tiêu dùng với chủ đề mua sắm thông minh, bài học kinh nghiệm giúp người tiêu dùng có thêm kiến thức về các sản phẩm Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; đồng thời giúp người tiêu dùng phân biệt hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, phiên chợ còn có chương trình đố vui có thưởng về kiến thức tiêu dùng, kiến thức sản phẩm, kiến thức về doanh nghiệp với giải thưởng là các phần quà hấp dẫn.

Điểm nhấn, tạo nên phần “hội” cho phiên chợ là chương trình văn nghệ diễn ra hàng đêm, giúp không khí mua sắm thêm náo nhiệt, sinh động và thu hút người dân địa phương đến tham quan, mua sắm tại phiên chợ.

Đưa hàng Việt tiếp cận người dân vùng sâu

Cùng với việc đưa hàng Việt về ngoại thành, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) còn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện vận động các doanh nghiệp tham gia tặng quà cho thiếu nhi, gia đình chính sách tại địa phương.

Bà Tô Tường Nguyên, phó chủ tịch thường trực UBND huyện Củ Chi cho biết, phiên chợ hàng Việt nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Năm ngoái, hàng bán hết sạch từ rất sớm. Chính quyền địa phương luôn sẵn sàng phối hợp với ITPC để quảng bá giúp người dân tiếp cận được hàng Việt, hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam”.

Ông Huỳnh Tấn Phong, phó giám đốc ITPC cũng cho biết, phiên chợ hàng Việt nằm trong đề xuất hướng tham mưu của ITPC với UBND thành phố trong chương trình “Người Việt Nam đồng hành cùng hàng Việt Nam” trước khi có cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Đồng thời, phiên chợ cũng nhằm hưởng ứng cuộc vận động đưa hàng Việt Nam về vùng sâu, vùng xa. Sau phiên chợ năm ngoái, nhiều nhà phân phối, nhà kinh doanh nhận thấy người tiêu dùng ở Củ Chi có sức mua tốt, đã đặt đại lý tại Củ Chi để thâm nhập vào thị trường này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phiên chợ hàng Việt về Củ Chi: thiết thực và chu đáo hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO