Phác họa chân dung thành phố anh hùng

PHƯƠNG QUYÊN| 17/03/2015 07:45

So với 40 năm trước, những thành tựu mà TP.HCM đạt được là cực kỳ lớn và đầy đủ trên mọi lĩnh vực. Đậm nét nhất là ở lĩnh vực kinh tế”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhận định.

Phác họa chân dung thành phố anh hùng

Hội thảo khoa học "Thành phố Hồ Chí Minh: 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập" do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 17/3 là một trong những hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015).

Sự kiện này nhằm khẳng định những thành tựu trong xây dựng và bảo vệ TP.HCM, nhất là phản ánh lại những biến chuyển tích cực trong đời sống xã hội TP.HCM, kể từ khi đất nước thống nhất.

Hơn 100 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, lãnh đạo... các địa phương đã được gửi đến tham gia dự kiện đặc biệt này.

Ngoài việc điểm lại những mốc son và sự kiện lịch sử xảy ra ở thành phố này, những nội dung phong phú, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau đã phần nào phác họa được chân dung TP.HCM, một thành phố anh hùng, năng động, nghĩa tình và vững vàng, dù cho địa bàn này là nơi các thế lực thù địch hoạt động rất mạnh.

“So với 40 năm trước, những thành tựu mà TP.HCM đạt được là cực kỳ lớn và đầy đủ trên mọi lĩnh vực. Đậm nét nhất là ở lĩnh vực kinh tế”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhận định.

Thu hút được nhiều cựu lãnh đạo các ban ngành tham dự, Hội thảo còn là nơi đúc kết những kinh nghiệm trong quản lý để tạo được nền tảng cho sức bật của thành phố, vượt thoát khỏi những khó khăn ban đầu, kể từ khi thống nhất đất nước.

Bà Phạm Phương Thảo, cựu Phó bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch Hội đồng Nhân dân đánh giá, TP.HCM phát triển vượt bậc là nhờ vai trò to lớn của nhân dân. Chính truyền thống năng động, sáng tạo của người dân thành phố đã tạo áp lực để đội ngũ lãnh đạo cũng phải năng động, linh hoạt trong quản lý.

“Người dân đóng góp chính trong 4 bộ phận quan trọng nhất của thành phố, bao gồm kinh tế, xây dựng, chăm lo đời sống nhân dân và công tác quản lý”, bà Thảo khẳng định.

Ở lĩnh vực kinh tế, nền kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa mà người dân giữ vai trò trọng yếu đã giúp thành phố thoát được nền kinh tế quan liêu, bao cấp từ đầu những năm 1980.

Trong phong trào xây dựng, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, người dân TP.HCM đã vẽ ra được bức tranh “Người dân chăm sóc cho người dân”. Điển hình như phong trào xóa đói giảm nghèo, trao tặng nhà tình thương…

Bà Thảo đúc kết: “Người dân là chìa khóa của phong trào xã hội hóa ở TP.HCM, trong tất cả các lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội đến thể dục thể thao…”.

Đặc biệt, sức dân, những đóng góp của người dân, phong trào hiến đất cho Nhà nước… đã làm nên những công trình xã hội mà ở đó vốn ngân sách rất ít, như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Thủ Thiêm…

Riêng với tiếng nói phản biện của người dân thì nhiều đại biểu đã đồng tình rằng đây là “đặc trưng” của người dân TP.HCM. Bởi, những thiếu sót, sai phạm, khuất tất… đều được người dân sẵn sàng phản ánh với các cơ quan thẩm quyền. Nhờ vậy mà công tác quản lý cũng ngày một được hoàn thiện hơn.

“Tiếng nói phản biện trên báo chí là mạnh mẽ nhất. Đời sống thông tin đa chiều trên báo chính là nguồn tham khảo tốt cho công tác quản lý”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phụ trách chỉ đạo công tác báo chí - TS. Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Kết thúc hội thảo, ban tổ chức cho biết, những tham luận gửi đến tham gia Hội thảo này sẽ được chỉnh lý, bổ sung để in thành sách, phát hành trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phác họa chân dung thành phố anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO