Nâng cao năng suất lao động là thách thức lớn của kinh tế Việt Nam. Ảnh: QH |
Tuy nhiên, "nhiều vấn đề nội tại cố hữu vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế”, như TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV/2017 mới đây.
Qua đó cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề, động lực tăng trưởng vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan. Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn tiếp tục là những trở ngại, nguồn vốn chi đầu tư công vẫn còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Nhìn vào tương lai gần, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có những quan ngại khác, đó là chủ trương đầu tư mới và những ưu đãi gắn với nó. Đặc biệt, 3 đặc khu kinh tế được dành cho quá nhiều ưu đãi, chẳng hạn thuê đất tới 99 năm. Các đặc khu kinh tế này đang hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn đối với doanh nghiệp trong nước, giành ưu đãi về thuế cho casino và các bất động sản nghỉ dưỡng. Bà Lan đặt vấn đề, ưu đãi cho các đặc khu kinh tế sẽ thay đổi cơ cấu kinh tế nước ta như thế nào, hay chỉ làm tăng GDP?
Đến nay, bà Lan vẫn đau đáu về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt là về thuế khi Bộ Tài chính vẫn muốn bảo vệ đề xuất tăng thuế, bất chấp phản ứng của người dân và doanh nghiệp. "Bên cạnh những thách thức khác, nếu tiếp tục tăng thuế, sức chịu đựng của doanh nghiệp nội sẽ ra sao trong năm 2018?", bà Phạm Chi Lan đặt vấn đề.
Liên quan kinh tế năm 2017 và dự báo về tình hình sắp tới, TS. Lê Đăng Doanh nói rằng, các con số công bố đạt được trong năm 2017 có nhiều điểm chưa đồng nhất và đáng suy nghĩ. Theo ông, một năm kinh tế tăng trưởng cao nhưng đầu tư công rất thấp, đầu tư của khu vực nhà nước thấp nhất so với khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài, hoạt động của nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn thua lỗ lớn nên 2018 sẽ là năm không mấy dễ dàng để hoàn thành các mục tiêu kinh tế đề ra.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, trong bối cảnh thuế nhập khẩu vào Việt Nam bằng 0% sẽ gây sức ép rất lớn cho nguồn thu ngân sách. Ông kêu gọi doanh nghiệp hãy "nỗ lực và tỉnh táo" trước các sức ép, đặc biệt là sức ép từ các hiệp định thương mại tự do.
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 không nhỏ khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Do đó, VEPR đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng năm 2018 là 6,65%. Trước đó, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 48/2017/QH14 Về các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó tăng trưởng GDP vào khoảng 6,5 - 6,7%.