6 rủi ro trong đầu tư giáo dục tại Việt Nam

TS. TRẦN VINH DỰ| 02/12/2017 06:56

Đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam vẫn còn có những rủi ro.

6 rủi ro trong đầu tư giáo dục tại Việt Nam

Rủi ro thứ nhất là cạnh tranh rất mạnh trong tất cả các phân khúc, từ phổ thông, đại học, tới giáo dục thường xuyên. Những năm gần đây có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường này với tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm quản trị quốc tế. Các doanh nghiệp "nhỏ con" trong nước khó mà địch lại được, trừ phân khúc cao đẳng, đại học.

Thứ hai là rủi ro chính sách, do ngành này là ngành có nhiều loại giấy phép con, chịu sự quản lý của Chính phủ, tới bộ, sở, thậm chí phòng giáo dục của quận, huyện. Gần đây, việc điều hành chính sách về giáo dục của Nhà nước có thông thoáng hơn, nhưng vẫn còn có bất cập. Ví dụ yêu cầu muốn thành lập trường đại học phải có vốn không dưới 1.000 tỷ đồng.

Thứ ba là cạnh tranh với khu vực giáo dục công không dễ vì cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư và bao cấp kinh phí hoạt động hằng năm, dù vấn đề này đang "dễ thở" hơn vì xu thế xóa bỏ bớt bao cấp trong giáo dục.

Thứ tư là khuynh hướng dân số đang già đi. Yếu tố này ảnh hưởng chậm nhưng dài hạn và rất rõ ràng.

Link bài viết

Thứ năm là khan hiếm nguồn giáo viên có chất lượng cao nên mở rộng quy mô rất khó khăn. Đối với nguồn giáo viên nước ngoài thì chất lượng cũng là vấn đề phải quan tâm. Đó là chưa kể tính tuân thủ và sự ổn định lâu dài của một bộ phận lớn giáo viên nước ngoài vì họ quan niệm chỉ làm một vài năm rồi đi. Điều này đặc biệt rõ trong nhóm giáo viên dạy Anh ngữ.

Thứ sáu là thị trường này còn mới nên phụ huynh cũng như học sinh khó đánh giá sự khác biệt về chất lượng giữa các đơn vị cung cấp giáo dục.

Mặc dù về nhu cầu và xu thế thì mảng dạy nghề đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế Việt Nam chuyển dần từ mô hình thâm dụng lao động, tay nghề thấp sang nền kinh tế ứng dụng kỹ nghệ, đòi hỏi trình độ nghề nghiệp cao ở người lao động. Tuy nhiên hiện nay, tâm lý phổ biến vẫn là chuộng bằng đại học, dù nhiều sinh viên ra trường không đủ trình độ và tay nghề để làm việc. Đó là chưa kể hiện nay với việc quá nhiều trường đại học xét tuyển bằng điểm sàn để "vét" càng nhiều sinh viên càng tốt khiến việc trượt đại học còn khó hơn là đậu đại học.

Giáo dục ở nhiều nước đang có những bước tiến vượt bậc nhờ tiến bộ công nghệ. Các chương trình đào tạo online giá rẻ, gồm cả đại học online phát triển mạnh. Số hóa nội dung giảng dạy đủ hấp dẫn học viên qua cách học tương tác và hệ thống quản trị lớp học thông minh. Không còn lâu nữa "cá nhân hóa" việc giảng dạy và việc học sẽ trở thành hiện thực và khái niệm lớp học sẽ mất dần. Thế nên các cơ sở giáo dục của Việt Nam áp dụng những mô hình giáo dục quốc tế thông qua liên doanh, liên kết, hợp tác với nước ngoài là đáng mừng và nên khuyến khích.

Tuy nhiên thực tế việc này còn chưa nhiều và khá bát nháo, thậm chí có chương trình đưa ra đối tác quốc tế ảo, giả, hoặc kém chất lượng. Điều này phản tác dụng vì nó làm "vấy bẩn" một xu thế đáng ra là tốt.

Việt Nam đang tụt hậu rất xa so với thế giới trong việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Nước ta có vài mô hình đào tạo online, tuy nhiên đào tạo online từ nhiều năm không còn là mới mẻ. Chỉ có một vài chỗ có tiến bộ hơn, như Ismart Education sử dụng nội dung được số hóa, hay IvyPrep sử dụng hệ thống quản trị lớp học thông minh. Tuy nhiên ngay cả các đơn vị này cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm cách đào tạo ấy?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
6 rủi ro trong đầu tư giáo dục tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO