Nhùng nhằng thoái vốn ngân hàng

LINH CHI| 26/03/2014 01:25

Việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ráo riết thoái vốn khỏi các ngân hàng không mới. Điểm mới là sau thời gian dài cố gắng nhưng vốn của họ vẫn chưa thể thoái được.

Nhùng nhằng thoái vốn ngân hàng

Việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ráo riết thoái vốn khỏi các ngân hàng (NH) là không mới. Điểm mới ở đây là sau thời gian dài cố gắng nhưng vốn của họ vẫn chưa thể thoái được như mong muốn.

Đọc E-paper

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, từ nay đến năm 2015, PVN sẽ thoái toàn bộ 20% vốn tại Oceanbank (PVN mua 20% cổ phần của OceanBank tương đương với 400 tỷ đồng sở hữu trong năm 2009). Tuy nhiên, phía PVN thừa nhận, không dễ thực hiện việc thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản và NH mà vẫn bảo toàn vốn nhà nước trong bối cảnh thị trường có khó khăn như hiện nay.

Điều này cũng dễ hiểu vì khoản đầu tư vào Oceanbank trước đây tối thiểu theo mệnh giá 10.000 đồng/CP, nhưng nay giá cổ phiếu OceanBank giảm thấp hơn mệnh giá từ 30 - 35%. Nếu bán cao hơn giá thị trường sẽ khó thu hút người mua, nhưng bán lỗ, PVN phải gánh trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự nên sẽ không ai dám thực hiện việc thoái vốn.

Cuối năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuyển nhượng thành công 25,2 triệu cổ phiếu ABBank cho Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO) với giá trị 252 tỷ đồng.

Hiện EVN vẫn còn nắm giữ tỷ lệ 16,02% vốn điều lệ của ABBank. EVN cho biết, theo lộ trình, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại ABBank cũng như tại các công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, NH, bảo hiểm, nhưng cũng không phải dễ dàng.

Bởi vì giá bán khởi điểm EVN đưa ra đấu giá công khai qua sàn Hà Nội đợt rồi là 10.000 đồng/CP. Với điều kiện và giá bán như trên, theo giới phân tích chứng khoán, khả năng thành công của EVN là không lớn. Vì giá cổ phiếu ABBank hiện chỉ dao động từ 6.000 - 7.000 đồng, thấp hơn 30% so với mức giá khởi điểm EVN công bố.

Nguyên nhân khiến việc thoái vốn tại các NH trở nên khó khăn là hiện nay giá cổ phiếu lĩnh vực này giảm sâu sau thời kỳ khủng hoảng, nhất là với những NH quy mô vừa và nhỏ, chưa niêm yết trên sàn và đang phải đối mặt với áp lực tái cơ cấu.

ACB, sau khi khủng hoảng xảy ra và phó chủ tịch NH là bầu Kiên vướng vào vòng lao lý, ACB đã phải thoái các khoản vốn đầu tư vào một số NH trước đó như: Kienlong Bank, Eximbank, DaiA Bank, Viet Bank. Trong đó, với VietBank, ACB nắm giữ khoảng 5% cổ phần tại NH này.

Hay chuyện Vietbank đặt vấn đề mua lại số cổ phần này, song vấn đề rắc rối là giá cổ phiếu thời điểm hiện tại của Vietbank chưa tới 10.000 đồng, nhưng ACB lại chào tới 12.500 đồng.

Theo một nguồn tin, cổ phiếu VietBank đã được ACB đồng ý bán với giá bằng thị giá cổ phiếu ACB trên sàn hiện tại. Đây được xem là mức giá chuyển nhượng NH nhỏ cao nhất kể từ sau thương vụ mua bán cổ phiếu KienLong Bank. Trước đó, ACB cũng đã thoái vốn tại KienLong Bank, Eximbank, DaiA Bank và ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, đã mang về khoản lãi cho NH.

Có thể thấy, để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo đó, Chính phủ cho phép các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được phép thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi những khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định, trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, NH sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu tại nghị quyết này mà thoái vốn không thành công và các lĩnh vực khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao...

Giá mua được xác định theo giá thị trường, nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán sau khi trừ đi khoản dự phòng giám giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thông báo cho SCIC xem xét mua lại các khoản đã đầu tư vào lĩnh vực trên.

Đây được xem là cơ hội cho các tập đoàn, tổng công ty đang có nhu cầu thoái vốn ngoài ngành, trong đó có NH. Điều này được các chuyên gia nhận định, đã có sự thay đổi tư duy về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà không chấp nhận lỗ, nhằm tạo điều kiện cho các tập đoàn thoái vốn ngoài ngành. Bởi thị trường hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với lúc đầu tư trước đây.

Chủ trương là vậy, nhưng rõ ràng tới nay, việc thoái vốn của các tập đoàn tại NH còn khá nhiều vướng mắc. Một phần do thị trường khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành và giá cổ phiếu NH giảm sâu.

Mặt khác, do giá mua vào trước đây tối thiểu cũng phải bằng mệnh giá 10.000 đồng, nhưng giá đấu thầu trước phải ở mức bằng mệnh giá, trong khi giá cổ phiếu NH đang giao dịch thấp hơn mức này.

Vì thế, nếu được phép bán dưới mệnh giá cũng là điều kiện tốt, song chưa hẳn đã dễ thỏa thuận. Bởi bên bán bao giờ cũng muốn bán với giá cao hoặc thấp nhất cũng bằng lúc mua vào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhùng nhằng thoái vốn ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO