Những lưu ý cho doanh nghiệp về ghi nhãn hàng hóa

HT| 18/07/2020 00:32

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) đã đưa ra nhiều lưu ý cho doanh nghiệp về ghi nhãn hàng hóa.

Những lưu ý cho doanh nghiệp về ghi nhãn hàng hóa

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa có hiệu lực, nhiều khó khăn của các doanh nghiệp đã được tháo gỡ, đồng thời các quy định mới cũng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, quá trình kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho thấy, một số doanh nghiệp ghi chưa đúng theo quy định. Đối với hàng hóa nhập khẩu, nhiều đơn vị nhập khẩu chưa có nhãn phụ hoặc trên nhãn phụ cách ghi chưa phù hợp với quy định. Việc quy định ghi rõ định lượng trên nhãn hàng hóa, người tiêu dùng có thêm thông tin để lựa chọn sản phẩm. Cơ quan quản lý căn cứ vào định lượng công bố trên nhãn hàng hóa và kết quả kiểm tra thực tế có thể xác định được doanh nghiệp có gian lận về đo lường hay không, đặc biệt là đối với những hàng hóa có giá trị lớn như vàng trang sức, mỹ nghệ.

QUATEST 3 đã giới thiệu một trong những điểm mới của Nghị định 43. Trong đó, quy định cụ thể đối tượng được đưa ra ngoài danh sách có điều chỉnh, như hàng xuất khẩu không tiêu thụ nội địa, hàng trung chuyển, xăng dầu, khí (LPG, CNG, LNG) chất lỏng, xi măng rời không có bao bì thương phẩm đựng trong container, xi téc và hàng đã qua sử dụng. Tuy nhiên, quy định mới bổ sung điều chỉnh việc ghi nhãn đối với hàng hóa là quà biếu, tặng.

Những quy định mới góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp như: miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong dịch vụ sửa chữa, bảo hành, không nhằm mục đích mua bán; miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất nội bộ, không nhằm mục đích mua bán. Hàng hóa xuất khẩu nhưng không xuất khẩu được quay trở lại lưu thông trong nước cho phép gắn nhãn phụ, không phải làm lại toàn bộ nhãn hàng hóa.

Doanh nghiệp được phép tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và các hiệp định Việt Nam tham gia. Doanh nghiệp có hàng hóa được sản xuất tại nhiều cơ sở khác nhau mà có cùng tiêu chuẩn chất lượng, thì được ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không phải ghi tất cả các địa chỉ sản xuất như quy định cũ.

Ngoài ra, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những lưu ý cho doanh nghiệp về ghi nhãn hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO