Những dấu hiệu chững lại

PHƯƠNG QUỲNH| 03/03/2012 05:09

Tuần rồi, phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011. Mặc dù chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương được cho là có cải thiện nhưng nếu xâu chuỗi kết quả PCI các năm qua vẫn cho thấy một số vấn đề chưa ổn.

Những dấu hiệu chững lại

Tuần rồi, phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp với dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011. Mặc dù chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương được cho là có cải thiện nhưng nếu xâu chuỗi kết quả PCI các năm qua vẫn cho thấy một số vấn đề chưa ổn.

>>Hà Nội, TP.HCM tăng hạng về năng lực cạnh tranh

Cải cách hành chính – Có tiến bộ

Liên quan đến một số chỉ tiêu đo lường khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp, theo báo cáo PCI, đã có sự cải thiện trong năm 2011.

Chẳng hạn như, nếu ở năm 2006, 25% số doanh nghiệp cho biết họ phải đợi hơn một tháng mới được chính thức hoạt động, còn năm qua tỷ lệ này giảm còn 15%.

Hoặc số ngày chờ đăng ký kinh doanh trên thực tế tại tỉnh trung vị đã giảm từ 20 ngày xuống còn 8,5 ngày, hay thời gian chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm từ 60 ngày vào năm 2007 xuống còn 30 ngày hiện nay.

Đây chính là những yếu tố quan trọng khuyến khích việc thành lập các doanh nghiệp mới, góp phần phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến đầu năm 2011 có 332.384 doanh nghiệp đã đăng ký và đóng thuế, bằng gấp 2,7 lần con số của năm 2006, tăng trưởng trung bình 28%/năm.

Dễ đã làm, khó chưa thể đụng đến

Một điểm dễ nhận thấy trong kết quả PCI 2011 là khoảng cách chênh lệch về điểm số giữa tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng năm nay (Lào Cai, 73,53 điểm) với tỉnh cuối bảng (Cao Bằng, 50,81 điểm) chỉ còn 22,72 điểm (năm 2009 khoảng cách này là hơn 30 điểm).

Điều đáng nói hơn là sự thu hẹp khoảng cách này có sự “đóng góp” từ sự giảm điểm của tỉnh đứng đầu bảng (năm 2009 là 75,9 đến 2011 còn 73,53).

Thực trạng này được nhóm nghiên cứu PCI lý giải là vì các tỉnh có thứ hạng thấp trong các năm trước đã tập trung cải thiện điểm số PCI bằng một chiến lược khá đơn giản là chọn những lĩnh vực dễ cải cách làm trước.

Đó là những lĩnh vực này không đòi hỏi những thay đổi đáng kể về hệ thống thể chế hay phải cân bằng quyền lợi của các nhóm lợi ích. Ví dụ như giảm thời gian xin cấp đăng ký kinh doanh, hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều hơn…

Chính nhờ vào chiến lược này mà các tỉnh ít có điều kiện thuận lợi như Lào Cai, Bắc Ninh đã vươn lên dẫn đầu. Hay như Hà Tĩnh và Bình Phước cũng có mặt trong tốp 10 của năm 2011 bằng một “cú nhảy” ngoạn mục đến gần 30 bậc, nhờ đã ban hành một số quy định và thành lập tổ công tác của tỉnh nhằm cải thiện các lĩnh vực điều hành kinh tế.

Trong khi đó, lần đầu tiên sau bảy năm điều tra PCI, cả Bình Dương và Đà Nẵng đều không ở thứ hạng cao nhất. Bình Dương giảm điểm trong chỉ số tính minh bạch, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Còn Đà Nẵng sa sút ở lĩnh vực đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp.

Một trường hợp đáng chú ý khác là hai tỉnh trước đây có những đột phá, được xem như những điển hình trong việc cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền cấp tỉnh là Bình Định và Vĩnh Long nay cũng đang trong xu hướng trượt dài.

Phải chăng đây là những dấu hiệu cho thấy những sáng kiến cải cách đã cạn, hay có những rào cản mà các địa phương chưa thể vượt qua?

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu PCI, dường như các tỉnh thành công trong những năm trước như Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Long… đang chững lại về chất lượng điều hành kinh tế.

Chính quyền tỉnh ít đưa ra được những sáng kiến cải cách mới và hạn chế ban hành những quyết định mang tính đột phá.

Tính minh bạch – Rào cản lớn nhất

Một trong những kết quả đáng thất vọng khi khảo sát PCI nhiều năm qua là tính minh bạch của môi trường kinh doanh tại các địa phương không cải thiện được bao nhiêu, thậm chí có xu hướng xấu đi trong vài năm gần đây.

Chỉ số PCI có trọng số năm 2011

Liên quan đến việc tiếp cận các tài liệu văn bản pháp luật của doanh nghiệp và người dân, tình hình có vẻ thuận lợi hơn sau khi Việt Nam gia nhập WTO (vì phải thực hiện các cam kết).

Đỉnh điểm của xu hướng này là vào năm 2008, sau đó giảm dần và đến nay chỉ ở mức trên trung bình (3,03/5 điểm).

Tuy nhiên, với các tài liệu thuộc dạng như quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng hay những dự án đầu tư từ trung ương…, thì việc tiếp cận khó hơn rất nhiều và tùy thuộc vào mối quan hệ cá nhân.

75% số nhà đầu tư được hỏi đã cho biết cần phải có mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận được các văn bản nói trên. Quan trọng hơn là tỷ lệ này ngày càng tăng (năm 2008 còn ở mức 50%).

Quả thực khi nhà đầu tư phải sử dụng một phần nguồn lực để đầu tư vào việc tạo dựng và phát triển các mối quan hệ với chính quyền thì nguồn lực cho sản xuất kinh doanh đã bị chia sẻ một cách không đáng có.

Không chỉ khó tiếp cận thông tin, kết quả khảo sát PCI 2011 còn chỉ ra rằng tình hình tham nhũng cũng có sự thay đổi đáng chú ý.

Phần lớn các doanh nghiệp đều đồng ý là tình trạng tham nhũng dưới dạng tiền lót tay cho các cán bộ hành chính địa phương đã giảm rất nhiều và tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% tổng thu nhập để trả chi phí không chính thức đã giảm từ 13% của năm 2006 xuống còn 7% của năm 2011.

Rồi chuyện nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục hành chính thông thường cho doanh nghiệp cũng ít hơn. Những diễn biến mới này được lý giải rằng: có thể do việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai các quy định pháp luật hay ban hành Luật Phòng chống tham nhũng vào năm 2008…

Những ý kiến bi quan hơn thì nói rằng có thể do khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh theo chiều rộng nên các trường hợp “phải chi không chính thức” thường rơi vào một số ít doanh nghiệp tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh.

Nhưng ở chiều ngược lại, cũng theo kết quả PCI 2011, hiện tượng tham nhũng ở quy mô lớn, dưới dạng “lại quả” khi ký kết các hợp đồng mua sắm công hoặc các thỏa thuận đất đai béo bở lại có xu hướng tăng.

56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án của nhà nước cho biết việc chi trả hoa hồng là phổ biến (năm trước tỷ lệ này là 41%). Nhóm nghiên cứu PCI đánh giá hậu quả của tình hình này là tạo ra sự bất công và làm suy giảm niềm tin vào bộ máy của Chính phủ.

Tính năng động của lãnh đạo tỉnh và tư duy nhiệm kỳ

Chỉ số về tính năng động của lãnh đạo tỉnh có sự sa sút rất lớn trong kết quả PCI năm nay, đặc biệt là tại các tỉnh đứng đầu.

Năm 2006, 75% số doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo tỉnh đã rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng tỷ lệ này đã giảm dần trong các năm qua và nay chỉ còn 65%.

Tương tự, năm 2006, 62% số doanh nghiệp cho biết khi những quy định của trung ương chưa rõ ràng, lãnh đạo tỉnh đã năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Đến năm 2010, tỷ lệ này còn 50% và năm 2011 xuống dưới mức này.

Nhóm thực hiện PCI 2011 không cho biết sự thay đổi này là do đâu, nhưng có nêu vấn đề là liệu việc thay đổi cơ cấu lãnh đạo ở khá nhiều tỉnh vào thời điểm trước và sau khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XI có ảnh hưởng đến kết quả cuộc khảo PCI 2011 không thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Thực tế cho thấy tư duy nhiệm kỳ đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh doanh. Một điều dễ nhận thấy và cũng được nhiều người đồng tình là hoạt động kinh tế trong suốt năm 2010 và những tháng đầu năm 2011 khá trầm lắng, nhưng đôi lúc lại đột biến một cách khó hiểu.

Chỉ số PCI được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2005 nhằm đo lường và đánh giá tình
hình điều hành kinh tế và cải cách hành chính ở chính quyền cấp tỉnh.

PCI 2011 là kết quả tổng hợp từ sự khảo sát của 6.922 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Chỉ số PCI có chín chỉ số thành phần, gồm: chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất
đai; tính minh bạch; chi phí không chính thức; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện
các quy định về thủ tục hành chính; tính năng động của lãnh đạo tỉnh; dịch vụ hỗ trợ
doanh nghiệp; đào tạo lao động; và chỉ số về thiết chế pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những dấu hiệu chững lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO