Nhức đầu lo chuyện tăng giá

Nguồn SGTT| 05/12/2009 08:36

Cộng sổ chi tiêu gia đình tháng 11/2009, bà Lan Anh, ngụ quận 10, TP.HCM lo lắng do chi phí đã tăng hơn 800.000 đồng so với tháng trước.

Nhức đầu lo chuyện tăng giá

Cộng sổ chi tiêu gia đình tháng 11/2009, bà Lan Anh, ngụ quận 10, TP.HCM lo lắng do chi phí đã tăng hơn 800.000 đồng so với tháng trước.

Từ nhiều năm nay, cứ đến mùa tết là các loại thực phẩm lại tăng giá. Ảnh: Lê Quang Nhật

Xem lại các hoá đơn, bà lại càng lo hơn bởi từ nay đến tết Nguyên đán giá cả có thể còn tăng nữa. Bà Anh nhẩm tính: “Tiền chợ mỗi tháng sẽ tiếp tục tăng thêm ít nhất 20% nữa, chưa kể mua sắm riêng cho tết”.

Thứ gì cũng tăng

Đi vào chi tiết, bà Anh cho biết trong tháng 9 và 10, chi tiêu của gia đình bà khoảng 4 – 4,1 triệu đồng/tháng. Nhưng tháng 11 vừa rồi nhảy lên đến 4,9 triệu đồng. Lý do là giá gas tăng thêm 40.000 đồng/bình, tiền gạo tăng thêm 60.000 đồng (mỗi tháng ăn hết 20kg gạo thơm Đài Loan giá từ 14.000 đồng tăng lên 17.000 đồng/kg). Tiền thực phẩm tươi sống cũng tăng thêm 600.000 đồng (bình quân tăng 20.000 đồng/ngày), gia vị tăng 200.000 đồng.

Bà Lan Anh kể: “Tôi gặp mấy người đi chợ hàng ngày, ai cũng than phải căng đầu tính toán chi tiêu bởi giá thứ gì cũng tăng”. Thấy rõ nhất là đường cát trắng đóng bao sẵn loại 1kg vào tháng 12 năm ngoái chỉ 10.300 đồng/kg, hồi tháng 9 lên 14.500 đồng/kg, nay đã vọt lên 19.500 đồng/kg. Do vậy, nhiều người đành mua loại đường cát ngà 17.000 đồng/kg để nấu ăn cho rẻ.

Ngoài ra, những món ăn chính trong bữa cơm gia đình cũng lên giá. Mặt hàng thuỷ hải sản tươi đã nhích từ 3.000 – 5.000 đồng/kg do lượng hàng đưa về thành phố không ổn định và đang giảm. Các loại tôm, mực, cá khô… tăng giá 20.000 – 50.000 đồng. Nếu tính ra, giá cả trong một tháng qua đã tăng từ 10 – 30% tuỳ loại.

Tác động dây chuyền

Ông Hải, chồng của bà chủ tiệm tạp hoá ở chợ Bến Thành kể: “Tôi đã nói vợ gom vốn trữ hàng, vì giá sẽ còn tăng nữa mà bà ấy trù trừ vì thấy giá đã cao, hy vọng sẽ xuống”. Ông Hải nói kinh nghiệm mấy năm gần đây cho thấy, hễ giá xăng dầu lên, tỷ giá đô la tăng sẽ kéo theo giá nhiều các mặt hàng thiết yếu tăng lên. “Cộng với mùa tết, thế nào các loại thịt heo bò gà, thực phẩm tươi, gạo… cũng tăng. Năm nay còn có thêm tình trạng giá nguyên liệu của nước ngoài tăng, giá vàng tăng… nên có thể nhiều mặt hàng sẽ còn biến động giá nữa”, ông Hải dự báo.

Quả thật, thông thường thị trường biến động giá do tác động từ yếu tố cung cầu. Nhưng ở thời điểm này, ngoài việc mất cân đối ở một số mặt hàng, giá bán lẻ thực phẩm còn chịu tác động khá lớn từ phí đầu vào tăng và thói quen “tăng giá mùa tết”.

Anh Trần Quang Trung, vừa là chủ trại heo, kiêm thương lái bán sỉ mặt hàng thực phẩm này ở Gia Tân 2, Gia Kiệm, Đồng Nai cho biết: so với cách nay nửa tháng, giá heo hơi tăng từ 33.000 lên 36.000 đồng/kg. Nguyên nhân do chi phí đầu vào tăng, như nguyên liệu thức ăn là một ví dụ.

Theo tính toán, thành phần thức ăn chiếm tới 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi, trong khi Việt Nam lại đang phải nhập khẩu 70 – 80% nguyên liệu. Với việc biên độ tỷ giá vừa thay đổi khiến doanh nghiệp mất thêm 600 đồng/đôla (thực tế người mua phải chịu thêm 1.200 đồng ở thị trường tự do) để thanh toán. Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng tới 20% càng đẩy chi phí giá thành chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi phải tăng giá bán sản phẩm nếu không sẽ bị lỗ vốn.

Trong khi đó, nguồn cung một số mặt hàng về chợ giảm. Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho hay lượng thịt gia súc về giảm 15% so với tuần trước, đạt 173 tấn/ngày. Lượng thịt heo giảm, theo ông Phùng Khôi Phục, giám đốc nhà máy D&F Đồng Nai là do thời gian qua, mặt bằng giá heo hơi quá thấp khiến người nuôi bị lỗ nên giảm đàn.

Chưa thấy điểm dừng

Thịt gà ngoại nhập giảm

Thống kê của trung tâm Thú y vùng VI, tháng 9 doanh nghiệp nhập về 2.500 tấn thịt gà lạnh, qua tháng 10 là 1.800 tấn và tháng 11 giảm xuống còn dưới 1.000 tấn.

Điều mà nhiều nhà kinh doanh lo, các bà nội trợ cũng lo, là giá mới chỉ “bắt đầu” tăng chứ chưa có dấu hiệu dừng. Bà Ngọc Thuý, chủ cơ sở sản xuất mứt tết Thành Long, than: “Từ tháng 9 đến giờ, vốn liếng có đồng nào là dồn vào mua đường, nhưng xem ra giá vẫn chưa đứng lại. Giá sỉ mua từ nhà máy hiện nay là 17.500 đồng/kg”.

So với tháng 10 thì đường đã tăng 17% trong tháng 11, mà đường chiếm đến 20% trong cơ cấu giá thành của các mặt hàng bánh, chiếm 30% trong các mặt hàng nước giải khát có đường, chiếm 70 – 80% các mặt hàng mứt, kẹo… nên sẽ kéo theo hàng trăm sản phẩm khác tăng giá từ 5 – 30%.

Cụ thể ngay từ đầu tháng 12.2009 này, giá sữa Vinamilk tăng 6% với lý do “giá đường tăng”. Tháng tới, dự kiến Hancofood cũng tăng giá sữa khoảng 10 – 15% với lý do giá sữa nguyên liệu nhập tăng 50% so với năm ngoái.

Bà Ngọc Châu, phụ trách truyền thông của hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết, do tác động của tỷ giá đô la nên giá một số nhóm hàng nhập khẩu đang bán trong siêu thị như bánh, kẹo, rượu, bơ, phô mai… sẽ tăng từ 5 – 15%. Hệ thống siêu thị Maximark cũng sẽ áp dụng giá mới với mức tăng 3 – 8% cho khoảng 150 mặt hàng từ giữa tháng 12/2009 này. Trong đó chủ yếu là thực phẩm chế biến, thực phẩm đóng hộp, gia vị, nước giải khát và thực phẩm ngoại nhập...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhức đầu lo chuyện tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO