Nguồn lực cho hồi phục và phát triển kinh tế TP.HCM

PGS-TS. Nguyễn Chí Hải - ThS. Huỳnh Ngọc Chương| 13/10/2021 01:38

Trước đây, mỗi ngày TP.HCM thu trung bình khoảng 1.200 tỷ đồng thì trong 9 tháng năm 2021, chỉ đạt trung bình chưa tới 800 tỷ đồng/ngày, trong khi chi phòng, chống dịch Covid-19 tạo thêm áp lực chi thường xuyên rất lớn, đặc biệt là các nguồn chi cho y tế cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội.

Nguồn lực cho hồi phục và phát triển kinh tế TP.HCM

Để tạo động lực hồi phục và phát triển kinh tế TP.HCM sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng. Theo đó, một loạt giải pháp của Chính phủ hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, các gói kích cầu, đầu tư công, các chính sách giảm, hoãn thuế, phí, lãi suất đã kịp thời triển khai, góp phần hồi phục nền kinh tế khi bước vào trạng thái “bình thường mới”. 

Tuy nhiên, nguồn lực và là động lực lớn nhất, quan trọng nhất để phục hồi, phát triển kinh tế chính là từ “sức dân” (doanh nghiệp, người lao động). 

Chúng tôi xin gợi mở một số quan điểm, giải pháp cho việc phát huy, khai thác nguồn lực “sức dân” trên địa bàn TP.HCM.

Thứ nhất, “an dân”, “nới sức dân” là việc làm cấp thiết, tạo tiền đề, điều kiện để “sâu rễ, bền gốc”, nhằm nuôi dưỡng “sức dân”. Công việc này, Thành phố cùng cả nước đã có giải pháp kịp thời  trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và hiện nay vẫn tiếp tục các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Việc “an dân”, “nới sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” phải là chính sách cơ bản trong quản trị, điều hành nền kinh tế.

Thứ hai, Thành phố cần ban hành khung chính sách thực hiện “mục tiêu kép” trong giai đoạn “bình thường mới” (sống chung an toàn với SARS-CoV-2). Theo đó, bộ khung chính sách này cần đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch, về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh kế của người dân, có tính thống nhất và liên kết vùng và cả nước ở mức cao nhất có thể. Khung chính sách của Thành phố sẽ có tác dụng tích cực, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, nhưng có tính nhất quán là duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”. Đây cũng là cách tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, người dân đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ vào phát triển kinh tế.

Thứ ba, lãnh đạo Thành phố cần tạo thêm điều kiện thuận lợi, như hỗ trợ lãi suất, giảm, hoãn thuế, phí, tiền sử dụng đất để khuyến khích, động viên doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động, cơ cấu lại công nghệ sản xuất, sản phẩm, phương thức vận hành, cơ cấu lại nguồn nhân lực. Đó cũng chính là cách để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, gia tăng lợi nhuận và đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thành phố và cả nước. 

Thứ tư, trải qua dịch bệnh Covid -19 lần thứ tư, Thành phố càng có cơ hội khẳng định sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính châu Á. Đồng thời cũng là dịp để Thành phố tái cấu trúc lại khu vực kinh tế phi chính thức, chẳng hạn như “nền kinh tế vỉa hè” gắn liền với trật tự, an ninh, giao thông, vệ sinh, mỹ quan đô thị. Tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế Thành phố cũng chính là tái cấu trúc lại lực lượng lao động nhập cư để sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn trong bối cảnh mới.

Thứ năm, việc mở cửa kinh tế kịp thời, có chính sách giữ chân doanh nghiệp FDI, từng bước làm hấp dẫn hơn môi trường kinh doanh, vẫn là một kênh quan trọng để thu hút và sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế của Thành phố.

Thứ sáu, không một địa phương nào trong cả nước có được lợi thế như TP.HCM trong việc thu hút và sử dụng nguồn lực con người trong cả nước. Điều này gắn liền với vị trí địa lý, lịch sử và văn hóa Sài Gòn - TP.HCM hàng trăm năm qua. Đội ngũ doanh nhân đông đảo, nhạy bén với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đội ngũ nhân lực “chất xám” được đào tạo cả ở trong và ngoài nước, trên hết là người dân thành phố với hơn 10 triệu người, không chỉ là nguồn lực xây dựng và phát triển Thành phố mà còn là “thị trường” tiêu thụ hàng hóa quan trọng. Đây chính là nguồn lực cần khai thác trong giai đoạn phát triển mới của Thành phố.

Thứ bảy, TP.HCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời cũng là trung tâm giao thương, liên kết của khu vực và quốc tế, do vậy việc đẩy mạnh liên kết vùng, trước hết là gắn với vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ là cơ hội để Thành phố thu hút và sử dụng nguồn lực to lớn hơn trong giai đoạn phát triển mới.

Đại dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế TP.HCM và cả nước. Những ngày gần đây, dịch bệnh đã dần được kiểm soát và Thành phố đã bước vào trạng thái “bình thường mới”. Để vực dậy và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh mới, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, yếu tố nội lực của Thành phố vẫn phải là nguồn lực chủ yếu và quyết định, trong đó yếu tố cơ bản nhất, quan trọng nhất là khai thác được nguồn lực từ “sức dân”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguồn lực cho hồi phục và phát triển kinh tế TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO