Nghịch lý của ngành dệt may: Thêm đơn hàng, thêm lo

19/05/2010 06:29

Vừa vượt qua thời điểm “càng xuất khẩu càng lỗ”, ngành dệt may đang diễn ra nghịch lý khác: thêm đơn hàng, thêm lo.

Nghịch lý của ngành dệt may: Thêm đơn hàng, thêm lo

Vừa vượt qua thời điểm “càng xuất khẩu càng lỗ”, ngành dệt may đang diễn ra nghịch lý khác: thêm đơn hàng, thêm lo.

Đào tạo tay nghề miễn phí, hỗ trợ thêm 800.000 – một triệu đồng một tháng trả tiền nhà ở, sinh hoạt phí cho người học việc… nhiều doanh nghiệp dệt may đang ra sức “kéo” công nhân nhưng vẫn khó có thể xoa dịu “cơn khát” lao động trầm trọng diễn ra hàng tháng nay.

Bỗng dưng… nghỉ việc

Ngành dệt may VN có nguy cơ thiếu lao động.

Đến thời điểm này, Tổng công ty CP Dệt may Nam Định đã nhận được đơn hàng đến hết tháng 9; Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã đủ việc đến hết tháng 7... Ông Nguyễn Sơn, Chánh văn phòng Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phấn khởi: “Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến quý III, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến tận tháng 10 - 11”. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Dệt may Nam Định, ông Đào Quang Hiệp than thở: “Cứ có đơn hàng… lại thêm lo vì lượng công nhân làm việc cho các nhà máy biến động quá thất thường”.

Hiện Dệt may Nam Định có hơn 2.000 công nhân làm việc tại bốn nhà máy trên địa bàn tỉnh. Nhưng mỗi tháng luôn có khoảng xấp xỉ 100 công nhân “bỗng dưng nghỉ việc” để chuyển nghề, đi học, đi thi... Con số này sau Tết Nguyên đán và thời điểm hiện tại còn cao gấp 2 - 3 lần khi sắp đến mùa thi ĐH.

Tương tự, bà Phạm Thị Anh Hoa, Phó tổng giám đốc Hanosimex, chia sẻ: “Lẽ ra hợp đồng của chúng tôi đã có thể ký đến hết năm nay nhưng Hanosimex buộc phải từ chối, vì không đủ nhân công để làm”. Từ đầu năm đến nay đơn vị này luôn thiếu trên dưới 10% lao động. Còn theo ông Nguyễn Sơn, mức thiếu hụt lao động 5 - 10% của các doanh nghiệp dệt may khá phổ biến, tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Cá biệt có những nhà máy hụt tới 20 - 30% số lao động”, ông Sơn nói.

Thiệt tiền tỷ vì chậm đơn hàng

Để khắc phục căn bệnh thiếu lao động “kinh niên” này, các doanh nghiệp đang ra sức tăng ca, hỗ trợ công nhân, khuyến khích con em địa phương vào sản xuất… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sơn, “năng lực sản xuất của ngành đã giảm 10% so với cùng kỳ 2009”.

Từ đầu năm đến nay, Dệt may Nam Định nhận đào tạo nghề miễn phí cho con em địa phương, tặng thêm 800.000 đồng một tháng sinh hoạt phí, tiền thuê nhà trong ba tháng đầu học việc. Tuy nhiên, ông Đào Quang Hiệp chia sẻ: “Mỗi đợt tuyển dụng, doanh nghiệp phải mất 6 tháng đến một năm đào tạo lao động, đến khi bắt đầu làm được việc, công nhân lại bất ngờ bỏ việc, gây lãng phí và mất ổn định sản xuất”.

Còn tại Hanosimex, ban lãnh đạo tổng công ty phải xuống từng phân xưởng để đôn đốc, khuyến khích công nhân làm thêm ca tăng thu nhập (làm ca sáng có thể tăng thêm giờ vào ca chiều). Tuy nhiên, bà Anh Hoa thừa nhận: “Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì nếu duy trì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân”.

Thực tế, một số doanh nghiệp dệt may đã chủ động chuyển hướng đầu tư, mở rộng sản xuất về địa bàn nông thôn để tận dụng nguồn lao động tại chỗ nhưng đó là giải pháp lâu dài. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp luôn nơm nớp lo bị đối tác phạt vì chậm giao hàng. Ông Hiệp kể: “Mới đây hàng làm xong sát hạn giao, chúng tôi buộc phải chuyển hàng bằng máy bay, thay vì gửi bằng tàu biển. Chi phí đội lên gấp 3 - 4 lần, tính ra thiệt mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí thiệt tiền tỷ vẫn phải chấp nhận còn hơn bị mất uy tín với bạn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghịch lý của ngành dệt may: Thêm đơn hàng, thêm lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO