Ngành công nghiệp dược: Cần làm gì để phát triển?

03/03/2016 02:47

Để ngành công nghiệp hoá dược Việt Nam phát triển, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nguyên liệu hoá dược và xây dựng tiềm lực mạnh cho khoa học công nghệ trong hoá dược.

Ngành công nghiệp dược: Cần làm gì để phát triển?

Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu dược vào Việt Nam lớn nhất. Điều này cho thấy rằng, cơ hội cho ngành sản xuất, công nghiệp dược ở Việt Nam đang còn rất lớn.

Thị trường nguyên liệu dược phẩm trong nước đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà cung ứng nước ngoài, chủ yếu là châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc. 

Nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nội địa cũng đang "chạy đua" trong việc tìm kiếm các nguồn nguyên liệu mới nhằm cân đối giữa chất lượng với giá thành sản xuất phù hợp với định hướng phát triển và phân khúc khách hàng.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Y tế và Cục Quản lý dược, 90% nguyên liệu sản xuất dược phẩm tại Việt Nam đang phải nhập khẩu; trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu dược vào Việt Nam lớn nhất trong nhiều năm, lần lượt là 51,4% và 18,3%.

Điều này cho thấy rằng, cơ hội cho ngành sản xuất, công nghiệp dược ở Việt Nam đang còn rất lớn.

Theo phân loại và xếp hạng cho ngành công nghiệp dược, với 5 mức phát triển của Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), công nghiệp dược của Việt Nam mới chỉ ở mức 3, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hoá dược Việt Nam vẫn chưa phát triển do thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch, chính sách, công nghiệp phụ trợ...

Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ mới có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp của Mekophar, sản lượng thiết kế khoảng 200 tấn Amoxicillin và 100 tấn Ampicillin mỗi năm.

Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều Quyết định cho phát triển ngành công nghiệp hoá dược như Quyết định 61/2007/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình nghiên cứu Khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển Công nghiệp hoá dược đến năm 2020”, Quyết định 81/2009/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hoá dược...

Mục tiêu chủ yếu nghiên cứu tạo ra những công nghệ có chất lượng cao ở trong nước, kết hợp với nhập khẩu, làm chủ và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để sản xuất nguyên liệu hoá dược phục vụ ngành công nghiệp dược và công nghiệp bào chế thuốc chữa bệnh, tiến tới chủ động sản xuất thuốc ở trong nước.

Trong suốt giai đoạn 2009-2015, ngành hoá dược Việt Nam đã xây dựng được quy trình công nghệ tiên tiến để tổng hợp và tinh chế nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, nhiễm khuẩn, vi rút và ký sinh trùng...

Việt Nam cũng đã hình thành được một số trung tâm nghiên cứu về công nghệ tổng hợp hoá dược trong cả nước như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam..., đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu cơ bản về hoá dược, tiếp cận công nghệ...

Song, cũng phải thừa nhận một thực tế, các quy trình công nghệ hầu như đều ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa thể áp dụng trong sản xuất thử nghiệm và thực tế công nghiệp; quy mô đầu tư nghiên cứu còn nhỏ bé, cơ sở vật chất nghiên cứu thiếu thốn...

Các nguyên liệu hoá dược lựa chọn để nghiên cứu đều là thuốc generic đã hết bản quyền, các nước xuất khẩu nguyên liệu đã có công nghệ sản xuất ổn định, với quy mô lớn nên giá thành cạnh tranh hơn.

Đặc biệt, trong nước có rất ít doanh nghiệp sản xuất hoá dược do cần quy mô vốn lớn, hạ tầng công nghệ cao và thời gian khấu hao lâu dài. Do bị cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất quốc tế, rất ít doanh nghiệp dám mạo hiểm đầu tư phát triển công nghiệp hoá dược trong nước...

Vì vậy, để ngành công nghiệp hoá dược Việt Nam phát triển được, quan trọng là cần đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nguyên liệu hoá dược và xây dựng tiềm lực mạnh cho khoa học công nghệ trong hoá dược.

Cùng với đó là khuyến khích sự tham gia của các thành phần xã hội như nhà khoa học, doanh nhân, nhà quản lý, các đối tác quốc tế cùng tham gia xây dựng các đề án trọng điểm về hoá dược, hỗ trợ tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.

Một yếu tố nền tảng khác chính là hoàn thiện việc xây dựng và ban hành hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển khoa học công nghệ trong hoá dược; các tổ chức, cá nhân và nhà khoa học... được hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất về vay vốn, tín dụng, thuế, quyền sử dụng đất đai... để khuyến khích phát triển hoá dược.

Câu chuyện phát triển công nghiệp hoá dược không phải một sớm một chiều, do vậy, trong thời gian tới, chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển hoá dược cần tiếp tục được thực hiện đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Đồng thời tiếp tục lựa chọn, cấp kinh phí cho các đề tài tổng hợp thuốc generic thiết yếu và có hiệu quả chữa bệnh hiểm nghèo, sản xuất một số thuốc quan trọng, cần thiết để sử dụng trong nước...

>Năm 2016, ngành dược ngóng nhân tài

>TPP tác động thế nào đến ngành dược Việt Nam?

>Ngành dược: Áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành công nghiệp dược: Cần làm gì để phát triển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO