Ngành bán lẻ đến năm 2020: Chợ vẫn chiếm ưu thế?

HỒNG NGA| 13/03/2007 06:23

Trái với những lo ngại rằng, hệ thống phân phối truyền thống sẽ bị thay thế khi Việt Nam vào WTO, khảo sát mới đây của Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Thương mại) cho thấy tỉ lệ chợ truyền thống đang hoạt động hiệu quả vẫn chiếm đến 97,7%. Và, mặc dù phải cạnh tranh với nhiều loại hình phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại...), nhưng số lượng chợ truyền thống được xây dựng vẫn tiếp tục tăng.

Ngành bán lẻ đến năm 2020: Chợ vẫn chiếm ưu thế?

Chợ: Tiếp tục phát triển

Khảo sát của Vụ Chính sách thị trường còn cho thấy, hệ thống siêu thị hiện đại của nước ngoài vẫn không thể đè bẹp được cách buôn bán truyền thống đang tồn tại ở Việt Nam. Chỉ trong vòng 2 năm 2005 - 2006, cả nước đã có 203 chợ được xây dựng hoặc cải tạo. Như vậy, tính đến cuối năm 2006, cả nước có 9.266 chợ (trong đó có gần 170 chợ đầu mối cấp vùng và tỉnh).

Cũng theo thống kê của Bộ Thương mại, hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu qua hệ thống chợ (khoảng 40%), cửa hàng bán lẻ truyền thống (44%), hệ thống phân phối hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 10%, 6% là do nhà sản xuất bán trực tiếp. Mới đây, trong cuộc gặp mặt giới báo chí, ông Pierre Schaufelberger, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của chợ truyền thống Việt Nam, bởi 88% doanh thu của công ty này là nhờ vào các kênh bán lẻ và chợ truyền thống.

Khảo sát của Nestlé Việt Nam cũng cho thấy, 90% các bà nội trợ Việt Nam vẫn mua đồ ở các chợ truyền thống. Ông Pierre Schaufelberger cho rằng: “Hiện nay, kênh siêu thị đã quen thuộc với một bộ phận dân cư Việt Nam nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để chiếm được niềm tin của đại đa số người tiêu dùng”.

Cùng nhận xét trên, trong các cuộc họp bàn về quy hoạch phát triển ngành bán lẻ, ông Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng: “Hệ thống bán lẻ truyền thống của Việt Nam rất bí ẩn, không có mô hình chợ của nước nào trên thế giới giống ta. Vì thế, chợ bị kênh phân phối hiện đại thay thế là rất khó”.

Trong Đề án phát triển thương mại đến 2010 và định hướng đến 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các loại hình chợ như chợ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và chợ trung tâm, chợ chuyên doanh, chợ đầu mối ở các vùng sản xuất nông sản tập trung, các thị trường tiêu thụ lớn... cũng được đẩy mạnh phát triển.

Chợ vẫn là lựa chọn đầu tiên của các bà nội trợ


Không những thế, các hộ bán lẻ (cửa hàng, tiệm tạp hóa) được khuyến khích để phát triển thành doanh nghiệp, tham gia các trung tâm thương mại, khu mua sắm tập trung hoặc chuyển thành các cửa hàng tiện lợi hoạt động theo phương thức đại lý hoặc nhượng quyền thương mại...

Siêu thị: Mở rộng quy mô

Song song với hệ thống chợ ngày càng phát triển thì loại hình bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...) cũng được Nhà nước chủ trương mở rộng. Cụ thể, đến 2010, tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại sẽ đạt 20% (khoảng 160 tỷ đồng) và đến năm 2020 đạt 40% (khoảng 800 tỷ đồng), so với mức 8% - 10% hiện nay mà 250 siêu thị, 50 trung tâm thương mại trong cả nước mang lại cho thị trường bán lẻ.

Với mục tiêu trên, trong Đề án phát triển thương mại đến 2010 và định hướng đến 2020, Chính phủ yêu cầu hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại, chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại bao gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm logistics (hậu cần), tổng kho bán buôn, trung tâm hội chợ - triển lãm... ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu.

Bên cạnh đó, các phương thức kinh doanh thương mại hiện đại khác như sàn giao dịch hàng hóa, trung tâm đấu giá, nhượng quyền kinh doanh, thương mại điện tử... cũng sẽ đầu tư để phát triển.

Không chỉ vậy, Chính phủ còn chủ trương hình thành và phát triển một số tập đoàn thương mại mạnh, kinh doanh hàng hóa chuyên ngành hoặc tổng hợp, có đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn phân phối nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ phân phối.

Đi đầu trong việc liên kết để hình thành các tập đoàn thương mại lớn, mới đây, Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã “bắt tay” với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) và Công ty TNHH Phú Thái thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA).

Từ nay đến cuối năm 2008, VDA đầu tư 1.500 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, hệ thống tổng kho với các trang thiết bị hiện đại, tập trung thu mua và xuất nhập khẩu. Từ 2008 - 2011 sẽ đầu tư tiếp 3.000 - 6.000 tỉ đồng xây dựng các đại siêu thị, trung tâm phân phối bán buôn, mua bán... để tạo thành tập đoàn phân phối số 1 Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài.

Cũng trong đề án này, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tốc độ tăng bình quân hàng năm của ngành bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2010 lên 11%/năm, trong các giai đoạn tiếp theo trên 10%/năm. Đến năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 800 nghìn tỷ đồng, đến năm 2020 đạt khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đóng góp của ngành thương mại đến 2010 đạt trên 200 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,5%, đến năm 2020 đạt gần 450 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 15%.

HỒNG NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành bán lẻ đến năm 2020: Chợ vẫn chiếm ưu thế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO