Ngân hàng đua ứng dụng công nghệ

Minh Hào| 17/12/2019 08:00

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động đến nhiều ngành kinh tế. Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng đang chạy đua ứng dụng công nghệ số nhằm mang đến dịch vụ tốt nhất cho người dùng.

Ngân hàng đua ứng dụng công nghệ

Quản trị nhân sự bằng công nghệ

Đầu tháng 12/2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cùng Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) khởi động dự án “Phần mềm quản trị nhân sự mới - HRM”. Theo đó, dự án HRM sẽ được triển khai trong vòng 15 tháng với 6 phân hệ chính, gồm quản lý thông tin nhân sự, chi phí tiền lương, tuyển dụng, đào tạo, đánh giá cán bộ và quản lý nhân tài.

Theo chia sẻ của nhà triển khai dự án, giải pháp HRM được xây dựng theo mô hình Talent Hybrid trên nền tảng công nghệ lưu trữ dữ liệu tại chỗ (On-premises) và điện toán đám mây (Cloud). Nhờ việc tập hợp các quy trình hành chính và nhân sự thuận tiện và nhanh chóng, cán bộ quản lý ngân hàng dễ dàng phân công công việc, theo dõi, đánh giá tiến độ và khen thưởng nhanh chóng. Khi hệ thống HRM đi vào hoạt động sẽ giúp tự động hóa các thao tác về quản lý giám sát nhân sự, hỗ trợ quy trình quản lý, đánh giá năng lực cán bộ...

Giải pháp này cũng cung cấp thông tin toàn diện, báo cáo đa chiều cho ban lãnh đạo và nhà quản lý, nhờ vậy, công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp hơn, tạo một nền tảng vững chắc cho hoạt động của ngân hàng. Điều đáng nói là toàn bộ thông tin dữ liệu của nhân sự sẽ được bảo mật tối đa trên hệ thống.

Link bài viết

Ông Hồng Quang - Ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc khối nhân sự Vietcombank cho biết, với việc triển khai hệ thống HRM, Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực số hóa hoạt động quản trị và phát triển nguồn nhân lực. Điều này khẳng định quyết tâm của ban lãnh đạo Vietcombank trong việc đổi mới toàn diện công tác nhân sự, tạo sức mạnh từ nội lực để đạt mục tiêu Vietcombank trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu về chất lượng nguồn nhân lực và môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam.

Không chỉ có Vietcombank, các ngân hàng lớn tại Việt Nam như Ngân hàng Nhà nước, Viettinbank, LienvietPostbank, MSB, BIDV... đều triển khai xây dựng hệ thống quản trị nhân sự. Theo ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Hội đồng thành viên FPT IS, các ngân hàng xem con người là tài sản quý giá nhất, là nguồn lực cạnh tranh cốt lõi nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng và đầu tư mạnh mẽ.

“Bằng kinh nghiệm triển khai các dự án quản trị nhân sự và sự am hiểu nghiệp vụ tài chính ngân hàng, FPT IS cam kết sẽ đầu tư nguồn lực tốt nhất và sử dụng công nghệ hiện đại nhất để xây dựng cho Vietcombank một hệ thống HRM tổng thể và tập trung”, ông Dương Dũng Triều cho biết.

Số hóa ngân hàng

Đón đầu xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các ngân hàng Việt Nam đã nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ các công nghệ mới vào sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình. Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Hiện tại, hầu hết kênh phân phối, tiếp cận người tiêu dùng được các ngân hàng sử dụng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội... Theo số liệu thống kê của Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, hiện có đến 94% ngân hàng Việt Nam đang triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 đơn vị cho phép người dùng thanh toán trên điện thoại di động.

Link bài viết

Riêng với công nghệ số, ngành ngân hàng đã ứng dụng trong việc cải thiện hiệu quả vận hành nội bộ, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao khả năng quản trị quan hệ khách hàng. Nhờ việc ứng dụng này mà các ngân hàng hiểu rõ hơn về thói quen, sở thích khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Chẳng hạn, Vietcombank thử nghiệm mô hình kinh doanh số, TPBank triển khai dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank, VietinBank xây dựng dữ liệu lớn...

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, hiện nay, công nghệ số không chỉ giúp chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang kênh số hóa, giúp tương tác khách hàng nhiều và hiệu quả hơn, mà còn thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ và cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa. Việc này từng bước giúp các ngân hàng trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới và mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.

Nền kinh tế Việt Nam đang đón đầu cuộc cách mạng công nghệ số, và đã đến thời của ngân hàng số, ngân hàng công nghệ. Bởi Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế khi tỷ lệ dân số dùng Internet cao và số người sử dụng điện thoại di động đang tăng nhanh. Các thống kê cho thấy, hiện cả nước có đến 143 triệu thuê bao di động, trong đó có 84% người sử dụng điện thoại thông minh. Việc ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng, quản trị rủi ro... giúp các ngân hàng chuyển mình trong cuộc đua số hóa.

Hiện nay, công nghệ số không chỉ giúp chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang kênh số hóa, giúp tương tác khách hàng nhiều và hiệu quả hơn mà còn thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ và cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng đua ứng dụng công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO