Năm 2030, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn

Lữ Ý Nhi| 08/11/2019 07:00

Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đến năm 2030 bình quân 7,5%/năm và vẫn là thị trường hấp dẫn thu hút đầu tư; các lĩnh vực bán lẻ, du lịch, công nghiệp, logistics, kinh tế xanh, kinh tế đa nền tảng phát triển mạnh. Nhưng để đạt được những thành tựu ấy, đòi hỏi phải vượt qua nhiều rào cản.

Năm 2030, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2020-2030: Suy thoái hay hưng thịnh?” do Báo Nhịp cầu Đầu tư tổ chức, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: Chín tháng đầu năm 2019, Việt Nam ghi nhận những con số tăng trưởng khả quan, như GDP đạt 7,31%, lạm phát dưới 4%, dự trữ ngoại hối 72 tỷ USD, FDI với 29.854 dự án còn hiệu lực và 57,65 tỷ USD vốn đăng ký, 206 tỷ USD vốn thực hiện; thặng dư thương mại đạt 7,15 tỷ USD nhờ trị giá xuất khẩu tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo công bố của U.S News & World Report, Việt Nam từ hạng 23 năm 2018 đã lên hạng thứ 8 năm 2019 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Riêng tại châu Á, Việt Nam xếp thứ 4 chỉ sau Arab Saudi, Ấn Độ và Qatar. Nguyên nhân Việt Nam có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng trong một khu vực năng động và gắn kết chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs). Bên cạnh đó, dân số trẻ, chi phí lao động tương đối cạnh tranh, thị trường nội địa mở rộng cùng tầng lớp trung lưu tăng nhanh cũng là một thuận lợi để phát triển kinh tế. Đặc biệt, với sự ổn định chính trị, tiếp tục cải cách thể chế, hội nhập sâu là những yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam ngày càng hấp dẫn giới đầu tư các nước.

Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành: "Vẫn còn một số rào cản mà Việt Nam đang phải đối mặt, như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nhưng vẫn rất khó để phát triển, những vấn đề về môi trường, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục đe dọa đến sự phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế đang cần sự hỗ trợ của thể chế trong việc phát triển, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tài chính vào ngân hàng. Để đa dạng dòng vốn, doanh nghiệp có thể tìm đến các kênh trái phiếu và cổ phiếu. 

Theo ông Nguyễn Hiếu - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục tăng trưởng qua các năm. Thị trường cổ phiếu Việt Nam phát triển vượt bậc trong những năm qua và đang ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế. Tính đến hết quý III/2019, vốn hóa thị trường chứng khoán đã phát triển tương ứng với 81% GDP, vượt trước kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, con số vẫn thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực.

Nhìn lại lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 10 năm gần đây, ông Hiếu cho biết, chỉ số VN-Index chỉ có một lần tăng hơn 35% (năm 2017 tăng đến 48%), sau đó tăng trưởng chậm lại. Do vậy, để vốn hóa thị trường có thể đạt 100% GDP trong vài năm tới, cần đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và IPO của doanh nghiệp tư nhân lớn. Tuy nhiên, phải không để lặp lại diễn biến như cuối năm 2017 và đầu năm 2018 khi thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian ngắn và giảm nhanh ngay sau đó thì mới tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư. Song, một vấn đề lớn nhất mà Việt Nam cần giải quyết là làm sao tạo được sự hài hòa giữa ba yếu tố gồm phát triển kinh tế ổn định, xử lý những bức xúc xã hội và cải cách bộ máy hành chính.

Trước những yếu tố khó khăn được minh chứng, TS. Võ Trí Thành dự báo năm tới, mức tăng trưởng GDP trong khoảng 6,6-6,8%. Để đạt mức 7% GDP vào năm 2020 là cực khó. Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp chưa nên xây dựng chiến lược dài hạn mà nên làm ngắn và trung hạn, vì nhiều rủi ro, biến động có thể xảy ra khi nền kinh tế thế giới đang suy giảm và có thể lâm vào khủng hoảng. Doanh nghiệp nên dự báo tình hình kinh doanh trong khoảng thời gian nhất định, có sự điều chỉnh thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2030, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO