Năm 2018, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8,3 - 8,5%

P.V| 05/12/2017 00:59

Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM Khóa IX diễn ra từ ngày 4 - 7/12/2017 tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, như tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, nhiệm vụ, giải pháp năm 2018, thu chi ngân sách năm 2018 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội Khóa XIV Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Năm 2018, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8,3 - 8,5%

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, năm 2017, kinh tế Thành phố đã tăng cao hơn cùng kỳ với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu đề ra từ đầu năm, môi trường kinh doanh được cải thiện, công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị có chuyển biến, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế như tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, giải quyết khiếu nại của người dân còn chậm. Điều này đòi hỏi chính quyền Thành phố phải có những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Thường trực HĐND Thành phố phải phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố chuẩn bị và trình HĐND Thành phố kế hoạch thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Từ ngày 15/1/2018, TP.HCM sẽ thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, vốn được xem là động lực để kinh tế có bước phát triển đột phá. Do đó, việc áp dụng cơ chế như thế nào, lộ trình ra sao cần phải được thảo luận kỹ.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu xem xét, điều chỉnh mức phí hoặc bổ sung phí, thuế cần được thực hiện trong năm 2018. Việc bổ sung các loại phí chưa có trong quy định hiện hành hoặc tăng mức phí vừa để điều tiết hành vi của người tiêu dùng vừa góp phần tăng nguồn thu cho Thành phố, hay tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá, thuế môi trường là những việc Quốc hội cho phép thực hiện nên TP.HCM phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt được kết quả tốt nhất.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM đã chỉ đạo tập trung, kiên quyết để thực hiện những nhiệm vụ của năm 2017 và đã đạt được những kết quả vững chắc trên các lĩnh vực. Đáng chú ý, năm 2017, TP.HCM đã huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 365.700 tỷ đồng, chiếm 35% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), tăng 18%. Qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP 8,25%, đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Về thu ngân sách năm 2017 đạt khoảng 348.000 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ so với dự toán.

Năm 2017, theo UBND TP.HCM, Thành phố đã hoàn thành và vượt 17/20 chỉ tiêu của kế hoạch năm. Các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP, thành lập doanh nghiệp chưa đạt được. Riêng chỉ tiêu về chỉ số cải cách hành chính sẽ đánh giá cụ thể trong năm 2018.

Trước đó, vào ngày 2/12, tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM Khóa X đã thông qua các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, cải cách hành chính trong năm 2018. Theo đó, 100% đại biểu thống nhất về chỉ tiêu tăng trưởng GRDP là từ 8,3 - 8,5%.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, theo chỉ tiêu của trung ương giao, năm 2018, TP.HCM thu ngân sách đạt 376.000 tỷ đồng thì GRDP phải tăng trưởng 8,5%. Cùng với chỉ tiêu quan trọng này, năm 2018, TP.HCM phấn đấu vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) và vào nhóm 16 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

UBND Thành phố đã trình Thường trực HĐND Thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp này 30 tờ trình. Trong đó có tờ trình thông qua danh mục 190 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 517ha và các dự án có chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất lúa (ở 9 quận, huyện với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hơn 1.460ha), tờ trình điều chỉnh lệ phí cấp giấy phép xây dựng (tăng 1,5 lần), tờ trình điều chỉnh tăng mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn, đặc biệt là tờ trình triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2018, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8,3 - 8,5%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO