Mở rộng đường bay quốc tế

18/07/2011 06:28

Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam chấp nhận lỗ khi mở đường bay trực tiếp đi Mỹ. Jetstar Pacific, Indochina Airlines cũng đang xúc tiến để bay quốc tế

Mở rộng đường bay quốc tế

Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam chấp nhận lỗ khi mở đường bay trực tiếp đi Mỹ. Jetstar Pacific, Indochina Airlines cũng đang xúc tiến để bay quốc tế.

VNA có kế hoạch mở rộng đường bay quốc tế

Ông Võ Huy Cường, Trưởng Ban Vận tải Hàng không - Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV), cho biết mặc dù đến nay đã có hơn 40 hãng hàng không quốc tế bay đến Việt Nam song về phía Việt Nam mới chỉ có duy nhất Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đủ năng lực bay quốc tế. Vì vậy, hiện nhiều hãng hàng không đang xúc tiến kế hoạch khai thác bay quốc tế.

Mở đường bay đến Anh, Mỹ

VNA cho biết sau một thời gian chuẩn bị, nay VNA đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để mở đường bay thẳng đến Vương quốc Anh vào những tháng cuối năm. Đây là đường bay thẳng thứ 4 của hãng đến châu Âu, bên cạnh các đường bay đang khai thác là Hà Nội/TPHCM đến Moscow (Nga), Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức).

Điểm đến tại Anh của VNA là sân bay Gatwick, cách London 46 km về phía Nam và nằm trong số 10 sân bay lớn nhất thế giới. Như vậy, VNA sẽ là hãng hàng không đầu tiên và duy nhất khai thác đường bay thẳng giữa Việt Nam và Vương quốc Anh với tần suất 4 chuyến/tuần bằng máy bay Boeing 777 và tăng lên 7 chuyến/tuần từ năm 2014.

Theo Công ty TransViet, đại lý chính thức của nhiều hãng hàng không quốc tế tại Việt Nam, hiện có khoảng 10 hãng hàng không quốc tế khai thác đường bay giữa Việt Nam và Anh. Đây cũng là đường bay ít có khuyến mãi nhưng giá vé khá cạnh tranh. Các hãng hàng không quen thuộc trên đường bay từ Việt Nam đến Anh là British Airways (Anh), Lot (Ba Lan), Thai Airways, Singapore Airlines… nhưng đều có một điểm trung chuyển. Một số hãng khác như Emirates Airlines (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) có hai điểm dừng là Bangkok và Dubai.

Một thị trường quan trọng khác đang được VNA nỗ lực xúc tiến mở đường bay là Mỹ. Theo thông tin mới nhất từ CAAV, dự kiến sắp tới, Cục Hàng không Mỹ (FAA) sẽ kiểm tra thử năng lực giám sát an toàn bay của hàng không Việt Nam theo chương trình IASA. Nếu CAAV đáp ứng được yêu cầu của đợt kiểm tra, việc đánh giá chính thức sẽ được tiến hành sau đó để cơ quan này có quyền phê chuẩn cho VNA được mở đường bay trực tiếp tới Mỹ. Đây là khởi đầu thuận lợi để VNA có thể tái nộp đơn xin bay đến Mỹ. Trong thời gian đầu khai thác, dự kiến hãng sẽ chịu lỗ khoảng 20 triệu USD/năm – mức cao nhất so với các đường bay quốc tế khác.

Nhiều hãng lên kế hoạch bay sớm

Ông Võ Huy Cường cho biết trong số các hãng hàng không Việt Nam hiện chỉ có duy nhất VNA bay quốc tế.

Không chỉ là mục đích thương mại

Theo CAAV: Mở đường bay đến Mỹ không chỉ là mục đích thương mại mà còn để khẳng định thương hiệu vì đây là thị trường khó tính nhất thế giới. Muốn có tên trên bản đồ hàng không thế giới, một quốc gia phải “mời” được hãng hàng không Mỹ mở đường bay vào và ngược lại phải có hãng hàng không đủ năng lực bay đến Mỹ. Giữa Việt Nam và Mỹ đã ký. Hiệp định Hàng không hơn 10 năm nhưng mới chỉ có hàng không Mỹ mở đường bay.

Năm 2007, VNA đã nộp đơn đề nghị Bộ GTVT Mỹ cấp giấy phép bay từ TPHCM đến Los Angeles (bang California). Tuy nhiên, sau đó, VNA phải rút đơn vì CAAV chưa sẵn sàng cho đợt kiểm tra đánh giá khả năng giám sát an toàn bay của FAA.

Trước đây, hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific) đã khai thác đường bay đến Campuchia, Thái Lan, Singapore, Đài Loan nhưng khi tái cơ cấu đã ngừng bay. Trong kế hoạch phát triển mới, hãng hàng không giá rẻ này đã đặt mục tiêu mở lại đường bay đến Đài Loan. Đối với hàng không tư nhân, duy nhất hãng VietJet Air có thương quyền bay quốc tế với vốn pháp định 500 tỉ đồng song hãng này chưa đi vào hoạt động.

Trong một tuyên bố mới đây, Tổng Giám đốc hãng hàng không Indochina Airlines, nhạc sĩ Hà Dũng, cũng tuyên bố sẽ tăng vốn pháp định lên 500 tỉ đồng trong kế hoạch tái cơ cấu để có quyền bay quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng doanh thu.

Theo ông Cường, tuy Việt Nam chỉ có một hãng bay quốc tế nhưng năng lực khai thác khá tốt. Cụ thể, ở chặng bay đường dài, VNA đang khai thác các chuyến bay hằng ngày đến Pháp, Đức, Nga và đang xin tăng tải đến Pháp và Úc. Đối với thị trường Đông Bắc Á, Hàn Quốc và Nhật đều có 2 hãng hàng không quốc tế mở đường bay nhưng VNA có tần suất khai thác không ít hơn… Thêm nhiều hãng cùng khai thác các đường bay quốc tế đến/đi từ Việt Nam sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh và thị trường Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn.

Năm 2011 tiếp tục là thời điểm khó khăn của ngành vận chuyển hàng không thế giới nhưng thị trường Việt Nam vẫn có sức hút lớn với mức tăng trưởng vận tải hành khách dự kiến hơn 10% đối với quốc tế và hơn 20% đối với nội địa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở rộng đường bay quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO