Máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất

26/07/2014 02:33

Mặc dù các tai nạn máy bay dồn dập, máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất mà trí tuệ con người đã sáng tạo ra.

Máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất

Mặc dù chỉ trong 1 tuần qua đã có tới 3 vụ tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra trên thế giới, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng máy bay là phương tiện giao thông an toàn nhất.

Ngày 23/7, một chiếc máy bay của Đài Loan mang số hiệu ATR-72 đâm xuống đường băng ở sân bay Mã Công, huyện đảo Bành Hồ khiến 48 người thiệt mạng.

Trước đó một tuần, ngày 17/7, chiếc máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine khiến 298 người thiệt mạng. Cho đến nay, nguyên nhân xảy ra tai nạn vẫn còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ trong khi các phần thi thể của các nạn nhân có thể vẫn nằm rải rác ở đâu đó mà chưa được tìm thấy hết.

Vào sáng sớm 25/7/2014, quân đội Burkina Faso thông báo đã phát hiện xác máy bay của Algeria chở 116 người ở phía nam thị trấn Gao, sát biên giới Mali với Burkina Faso, và “không có dấu hiệu người sống sót”. Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định là do thời tiết xấu.

Ba vụ tai nạn máy bay liên tiếp đã cướp đi sinh mạng của 462 người. Đó là chưa kể đến 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay MH370 mất tích bí ẩn từ đầu tháng Ba và vẫn chưa được tìm thấy.

Những vụ tai nạn máy bay thảm khốc trong thời gian qua đã khiến ngành hàng không thế giới phải trải qua một giai đoạn đen tối chưa từng có trong lịch sử và làm cho nhiều người sợ đi máy bay hơn.

Thế nhưng, số liệu thống kê lại cho thấy hiện nay là thời kỳ mà ngành hàng không thương mại ngày càng an toàn hơn.

Số liệu an toàn bay mới nhất của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho biết năm 2013 có 90 vụ máy bay chở khách gặp nạn trên toàn thế giới, so với 99 vụ năm 2012 và 118 vụ năm 2011. Tỷ lệ tai nạn giảm xuống còn 2,8 trên một triệu chuyến bay, tỷ lệ thấp nhất kể từ khi ICAO theo dõi số liệu này.

Ngay cả trong năm 2014, những con số này cũng có sự cải thiện đáng kể. Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, cho đến nay mới chỉ có 70 vụ tai nạn máy bay chở khách xảy ra trên toàn cầu, so với 81 vụ cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tyler, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vận tải quốc tế (IATA) trong một tuyên bố đã thừa nhận rằng "tuần qua là một tuần rất đáng buồn đối với ngành hàng không".

"Với ba bi kịch liên tiếp như vậy, việc nhiều người lo lắng về độ an toàn của ngành hàng không cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ưu tiên số một của chúng tôi là an toàn. Và mặc dù có tới 3 vụ tai nạn liên tiếp chỉ trong một tuần nhưng máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất", ông Tony nói.

>MH17: Thảm hoạ của thảm hoạ
>Malaysia Airlines bên bờ vực phá sản
>Malaysia Airlines: Hãng hàng không bị vận rủi đeo đuổi

Theo số liệu an toàn giao thông gần đây nhất của Mỹ, tỷ lệ số người bị chết vì tai nạn tính trên 100 triệu khách mỗi dặm của phương tiện máy bay vẫn là thấp nhất. Cụ thể: hàng không thường lệ: 0,003; xe buýt đô thị và đường dài: 0,05; đường sắt: 0,06; ôtô (trừ xe buýt): 0,61. Như vậy, ở Mỹ, đi máy bay có tỷ lệ tai nạn còn thấp hơn so với đi bộ trên đường phố.

Năm 2011, tổng số hành khách chết vì tai nạn hàng không thườnng lệ trên toàn thế giới là 373 người trên 2,84 tỷ lượt hành khách, với tỷ lệ 1/7.600.000, tức là cứ 7,6 triệu người đi máy bay thì một người chết vì tai nạn. Năm 2014, tỷ lệ này chắc cao hơn, nhưng vẫn còn rất thấp so với các phương tiện giao thông khác.

Một phân tích thống kê khác cho thấy, xác suất một người bị chết trong một tai nạn hàng không là 1/45.000.000. Nếu ngày nào cũng bay, một người có thể bay an toàn trong suốt 123.000 năm mà không gặp tai nạn.

Đánh giá về số liệu trên, TS. Lương Hoài Nam, một người từng có nhiều năm làm trong ngành hàng không cho rằng: "Mặc dù các tai nạn máy bay dồn dập, máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất mà trí tuệ con người đã sáng tạo ra. Người làm hàng không như tôi và đi lại bằng máy bay rất nhiều lại càng tin điều đó".

Ông Nam cho rằng: Một số người nghĩ đi lại trên mặt đất an toàn hơn so với bay trên trời, vì ở trên mặt đất nếu xảy ra chuyện gì còn dừng xe, dừng tàu được, còn đang bay trên trời thì chịu. Đó chỉ là cảm giác tâm lý, không có cơ sở cả khoa học và thực tiễn nào.

Khi đi ôtô, tàu hỏa, tàu biển, nếu không phải là người lái, bạn giao phó tính mạng của bạn cho người lái. Việc có "kịp dừng" hay không (khi sắp xảy ra tai nạn) không phải nằm ở bạn, mà ở người lái. Trong hầu hết vụ tai nạn xảy ra trên đường bộ và đường thủy, hành khách hoàn toàn không nhận thức được tai nạn đang cận kề để kịp hành động. Phần lớn hành khách chỉ biết sau khi nó đã xảy ra. Đáng tiếc hơn, nhiều người còn không có cơ hội nhận biết tai nạn vì họ bị chết ngay, TS. Nam phân tích.

Ông Nam nhìn nhận: Tai nạn máy bay có nguyên nhân khởi điểm khác nhau: do thời tiết, do kỹ thuật, do lỗi phi công, bị tấn công từ trong máy bay, bị tấn công từ ngoài máy bay. Tuy nhiên, theo thống kê, kết cục phần lớn là do lỗi con người liên quan đến các nguyên nhân đó. Máy bay có thể bị tai nạn do gặp bão, nhưng yếu tố con người ở đây là tại sao biết có bão mạnh vẫn bay?

Máy bay có thể gặp sự cố kỹ thuật khi đang bay, nhưng cái làm nó bị rơi lại là sự mất bình tĩnh dẫn đến sai lầm của phi công khi xử lý sự cố kỹ thuật đó; nếu xử lý đúng, hậu quả có thể đã được ngăn ngừa hoặc giảm thiểu.

Một khi rủi ro đến từ yếu tố con người, do con người, không ai nói trước được điều gì, cả ở mặt đất và trên trời, cả trong hàng không và ngoài hàng không.

Nhìn về thực tế của các hãng hàng không thương mại trong nước, mặc dù còn nhiều bất cập về dịch vụ cũng như tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến xảy ra thường xuyên nhưng trong nhiều năm qua vẫn chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra.

AirlineRatings.com, một trang web đánh giá hãng hàng không uy tín và nổi tiếng thế giới năm qua đã đánh giá 448 hãng hàng không được đánh giá, có 137 hãng được xếp hạng an toàn cao nhất với 7 ngôi sao, và 50 hãng chỉ có 3 ngôi sao hoặc ít hơn.

Trong đó, ba hãng hàng không của Việt Nam đều được đánh giá điểm an toàn từ 4 sao trở lên. Cụ thể: Vietnam Airlines đạt điểm an toàn là 6/7, VietJet Air và Jetstar Pacific cùng đạt điểm an toàn 4/7.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Phần mềm FPT, một doanh nhân đã từng bay trên nhiều chuyến bay của các hãng hàng không trong nước và thế giới cho rằng: chất lượng dịch vụ trên máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là khá tốt nếu so với một số hãng hàng không của Mỹ và châu Âu hay châu Phi. Tuy nhiên, vẫn kém một số hãng hàng không của châu Á.

Sau vụ mất tích máy bay B777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines vào ngày 8/3, Bộ Giao thông vận tải đã có công điện khẩn cho các Cảng vụ Hàng không trong nước nâng cấp độ an ninh tại các sân bay lên cấp độ I.

Bên cạnh đó, tại các khu vực hạn chế, các cảng vụ hàng không cũng tăng cường số lượng nhân viên an ninh; không cho người vào khu vực hạn chế; kiểm tra người bằng máy dò kim loại cầm tay và kiểm tra trực quan lên 7% đối với người và đồ vật (so với 5% lúc bình thường).

Ngoài ra, các cảng vụ cũng tăng cường phỏng vấn hành khách khi làm thủ tục; tăng cường việc kiểm tra trực quan ngẫu nhiên lên 10% số hành khách và hành lý xách tay đã qua cổng từ mà không có báo động...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO