Logistics và ngành hàng thiết yếu cần được “số hóa”

Phan Nhung| 12/08/2021 08:38

Trải qua hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo cấp độ tăng cường, chuỗi cung ứng hàng hoá giữa TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận có những thời điểm bị đứt gãy.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến hôm 11/8 cùng tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn với chủ đề “Khôi phục chuỗi cung ứng hàng hóa về TP.HCM”,  các chuyên gia, lãnh đạo các sở - ngành và Hội, đoàn, DN  đã chia sẻ những khó khăn trong chuỗi cung ứng hiện tại và đề xuất ý kiến tháo gỡ. Theo các chuyên gia, ngành dịch vụ hậu cần (logistics) và ngành hàng thiết yếu cần được "số hóa" để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. 

e94aa2271bd1ec8fb5c0-3782-1628759145.jpg

Hơn 30 chuyên gia, lãnh đạo đến từ các Hội, Đoàn, DN và Sỏ - ngành trong TP tham dự buổi tọa đàm trực tuyến với DNSG tối 11/8. Ảnh: DNSG

Chính sách “cây gậy và củ cà rốt”

TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại Học Fulbright Việt Nam, đưa ra đề xuất: “Theo tôi, nhà nước cần có chính sách đối với ngành dịch vụ hậu cần và ngành hàng thiết yếu hiện nay, ví dụ như các DN nên đưa ra con số cụ thể về việc sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện tại thì chi phí tăng lên bao nhiêu, các khoản chi thêm là gì... từ đó đưa ra kiến nghị phù hợp để Chính phủ xem xét. Thời gian qua, một số DN đã chọn cách đóng cửa thay vì “gồng” để hoạt động lại nằm trong dịch vụ hậu cần, như vậy một phần chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, một số lái xe và nhân công trong DN không muốn tiếp tục làm việc vì lo sợ dịch bệnh, như vậy thù lao của họ phải được tăng lên để bù đắp những rủi ro mà họ có thể sẽ gặp phải, điều này có thể ví như chính sách “cây gậy và củ cả rốt”. 

cay-gay-cu-ca-rot-8306-1628759145.jpg

Chính sách "cây gậy và củ cà rốt" đã được áp dụng và thành công ở nhiều nước. Ảnh: Internet

Tóm lại, Chính phủ cần có sự hỗ trợ cụ thể đối với ngành dịch vụ hậu cần, ngành lương thực thực phẩm và ngành chăm sóc sức khỏe, cụ thể cách hỗ trợ thế nào, các biện pháp bảo đảm sức khỏe cho người lao động ra sao. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng các DN hoạt động lởm chởm, không theo chuỗi và “được chỗ này mất chỗ kia”.

Cần có nền tảng để số hóa chuỗi cung ứng

Ông Mã Thanh Danh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kido, cho rằng DN phải chủ động trong việc phòng chống dịch và truyền thông với các nhà cung cấp để không bị đứt gãy nguồn cung, cần có nền tảng để số hóa chuỗi cung ứng.

"Luồng cung nào an toàn, luồng cung nào không an toàn... cần được số hóa chứ không phải nhìn bằng mắt. Chúng ta cần hệ thống công nghệ xử lý về thông tin và cùng nhau bàn bạc những vấn đề thực tế, chứ không chờ đến lúc sự việc xảy ra rồi mới bàn nhau giải quyết hậu quả" - ông Danh nói.

Theo ông Danh, việc số hóa sẽ giúp người dân và các DN sống chung với dịch bệnh tốt hơn, nhà nước cũng sẽ dễ dàng hơn trong cách quản lý. 

Về việc số hóa trong chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cố vấn cấp cao về hợp tác đầu tư Quốc tẻ tại Châu Âu và ASEAN, chia sẻ: “Chúng ta cần phải có những bản đồ hướng dẫn đường đi của hàng hóa, vùng nào là vùng dịch để giúp người tài xế chọn lựa con đường bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm từ địa phương này qua địa phương khác. Điều này hoàn toàn có thể số hóa”.

1d85c70d2dfbdaa583ea-4815-1628759145.jpg

Mô hình quản trị chuội cung ứng. Ảnh: Internet

Số hóa để kết nối chặt chẽ các “chặng” trong ngành logistics

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, chia sẻ: “Nói về chuỗi cung ứng hàng hóa, chúng ta có 2 luồng: chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu dành cho người dân và chuỗi cung ứng hàng hóa dành cho các DN. Tuy nhiên có 3 vấn đề chính mà chúng tôi đã đề cập với Thủ tướng, đó là:

1.Khi vận tải và lưu thông hàng hóa bắt buộc phải qua 3 “chặng”, bao gồm chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối; 3 chặng này phải kết nối mật thiết với nhau thì mới không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Đây cũng là 3 chặng kết nối hàng hóa từ DN đển với người tiêu dùng, hoặc từ DN này đến DN khác. 

2.Chúng tôi đề xuất tài xế chỉ nên ở trong cabin, không nên tiếp xúc bên ngoài, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào ý thức chung và công việc của các tài xế. Ngoài ra, 3 chặng cung ứng cần được đối xử và ưu tiên như nhau chứ không chỉ ưu tiên chặng cuối (shipper) như thời gian qua. Hiện nay, chúng tôi đang rất cố gắng để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng  bằng cách kết hợp với các Sở, ngành của từng địa phương để đưa ra những biện pháp phù hợp.

3.Trong chuỗi cung ứng, việc kết nối giữa các cảng biển và sân bay rất quan trọng, kể cả các DN sản xuất. Nhà nước cần phải chú trọng điều này". 

Ngoài ra, ông Hiệp đề nghị Nhà nước cần có sự thống nhất trong quản lý để không gây ách tắc vận chuyển giữa các địa phương, vì hiện nay mỗi tỉnh thành lại có cách kiểm soát dịch bệnh khác nhau. Nếu có thể số hóa và đồng bộ các chặng vận chuyển, cũng như có cách quản lý thống nhất giữa các địa phương thì việc lưu thông hàng hóa sẽ không gặp nhiều khó khăn như hiện nay. 

Cần phát triển mảng công nghệ điện tử xuyên biên giới

Kiến nghị xây dựng một hệ thống vận tải biển, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM nói: "Chúng ta cần có cơ chế linh động hơn trong việc liên kết vùng nguyên liệu và các DN sản xuất. Tôi cũng kiến nghị xây dựng một hệ thống vận tải biển, liên kết cảng Cát Lái là cảng lớn nhất trong việc lưu thông hàng hóa phía Nam với các nước khác.

Đây là việc hết sức cần thiết. Chúng ta có thể phát triển mảng công nghệ điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ các DN có thể lưu thông hàng hóa với các nước trên nền tảng số thay vì chịu thiệt thòi trong việc giao thương với các nước bạn như trước đây."

6fb7bbd44a22bd7ce433-6700-1628759145.jpg

Việt Nam cần xây dựng hệ thống vận tải biển và công nghệ điện tử xuyên biên giới. Ảnh: Cty CP Đình Vũ

Còn ông Trần Thanh Hải  - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, kiến nghị Chính phủ sẽ có quyết sách tái mở cửa cho các DN, để DN duy trì các hoạt động SXKD. Nếu không cho mở cửa hoàn toàn thì có thể cho mở cửa một bộ phận để DN duy trì nguồn thu, miễn là DN đáp ứng đủ yêu cầu về an toàn dịch bệnh.

Ông Hải phân tích: "Dựa theo tình hình dịch bệnh trước mắt có thể còn kéo dài, chúng ta không còn có thể “khoanh vùng, dập dịch” như trước. Vậy câu hỏi đặt ra là các DN có thể trụ đến lúc đó hay không, nếu đến thời điểm đó thì sẽ có bao nhiêu DN bị phá sản, bao nhiêu DN còn trụ lại được... Nếu các DN đồng loạt đóng cửa như vậy thì chuỗi cung ứng không thể duy trì được."

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Logistics và ngành hàng thiết yếu cần được “số hóa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO