Liên kết kinh tế vùng: Phát huy lợi thế so sánh từng địa phương

04/04/2016 01:03

Việc liên kết vùng hiện nay vẫn dưới dạng tự nguyện, tự phát là chủ yếu, thích thì làm không thích thì thôi hoặc làm kiểu chiếu lệ, theo nhận xét của Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.

Liên kết kinh tế vùng: Phát huy lợi thế so sánh từng địa phương

Để khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, phân bổ, sử dụng tốt nhất nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, cần có cơ chế rõ ràng để tránh chồng chéo bên cạnh việc tăng hiệu lực quản lý vùng. 

Đây là chủ đề được trao đổi tại hội thảo “Kinh tế vùng trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam”, diễn ra ngày 3/4 tại Hà Nội.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cùng chung nhận định mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa để hình thành nên các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng.

Các quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành theo vùng chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút đầu tư, quản trị không gian kinh tế-xã hội, đặc biệt là thực hiện vai trò ràng buộc liên kết nội vùng.

Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận xét: Việc liên kết vùng hiện nay vẫn dưới dạng tự nguyện, tự phát là chủ yếu, thích thì làm không thích thì thôi hoặc làm kiểu chiếu lệ.

Thực tế này dẫn đến tình trạng nhiều quy hoạch phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng trùng lặp, chồng chéo gây lãng phí nguồn lực phát triển trên quy mô lớn. Thậm chí hình thành xu hướng đua tranh không lành mạnh giữa các địa phương như hạ giá đất đai, ưu đãi quá mức…

Trong khi đó, nhiều vấn đề cấp bách cấp vùng hiện nay nổi lên mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); khô hạn và quản lý nguồn nước ở Tây nguyên; quản lý rừng và sinh thái vùng miền núi phía Bắc…

Dưới góc độ cơ quan quốc tế, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng nghiên cứu phát triển liên kết vùng rất quan trọng để giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề vượt tầm của từng địa phương. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn theo nguyên tắc cùng thắng để tối ưu hóa hiệu quả cũng như khả năng chống chịu với các rủi ro.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng mục tiêu quan trọng nhất đối với phát triển kinh tế-xã hội theo quy hoạch vùng là nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, sử dụng tốt nhất nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, đặc biệt là giao thông, nông thôn mới…

Vì vậy, bên cạnh kết quả đã đạt được cần có cách nhìn mới nhằm khắc phục những hạn chế, bảo đảm quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo vùng là một bộ phận của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia.

Đơn cử, đối với các vùng kinh tế trọng điểm có thể xem xét, cân nhắc để ban hành chính sách định hướng phát triển hướng kinh tế tri thức, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn.

Từ đó, việc liên kết sẽ thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới, như là địa bàn đột phá trong phát triển kinh tế, có khả năng cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khu vực ASEAN, châu Á và trên thế giới.

Còn đối với các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, cần có chính sách nhằm hướng việc thu hút đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội, bảo tồn sinh thái, có chính sách tích hợp tổng thể đặc thù cho vùng, bảo đảm các chức năng trên thu bù từ các địa bàn kinh tế khác.

Ngoài ra, cần làm rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng và quá trình phân cấp, để đề xuất hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, vừa bảo đảm tập trung thống nhất của nền kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập quỹ phát triển vùng để triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng.

>Cộng đồng doanh nghiệp: Muốn phát triển, phải liên kết

>Liên kết vùng, chủ yếu là “quy hoạch toàn quốc”

>“Bắt mạch” liên kết vùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết kinh tế vùng: Phát huy lợi thế so sánh từng địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO