Lao động giỏi - yếu tố chi phối quyết định đầu tư

LÂM NGHI| 01/04/2014 07:59

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho biết khi xem xét đầu tư, khả năng cung cấp những lao động giỏi của địa phương là yếu tố quan trọng hơn rất nhiều so với những điều kiện về thị trường, môi trường đầu tư hay chính sách thuế...

Lao động giỏi - yếu tố chi phối quyết định đầu tư

60% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 50% các doanh nghiệp nói chung đang hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận không hài lòng về chất lượng lao động Việt Nam hiện tại. Các doanh nghiệp ước tính 13% đến 14% số người lao động của mình là không đủ năng lực cho công việc của họ.

Đây là kết quả mới nhất do Ngân hàng thế giới (NHTG) công bố trong báo cáo "Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam". Kết quả báo cáo lấy từ khảo sát do NHTG thực hiện với 350 doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Năng lực thấp, trở ngại lớn

Hiện nay, năng lực của người lao động Việt Nam thấp đang là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp trong quá trình vận hành. Nhiều doanh nghiệp gặp trường hợp nhận được nhiều đơn ứng tuyển nhưng không chọn được lao động mới do năng lực các ứng viên đều chưa đáp ứng yêu cầu.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết khi xem xét đầu tư, khả năng cung cấp những lao động giỏi của địa phương là yếu tố quan trọng hơn rất nhiều so với những điều kiện về thị trường, môi trường đầu tư hay chính sách thuế...

Theo NHTG, có ba cụm kỹ năng yêu cầu đối với một lao động bất kỳ hiện nay: Kỹ năng nhận thức bao gồm khả năng đọc viết cơ bản và tư duy sáng tạo; kỹ năng hành vi gồm thái độ của người lao động trong việc giao tiếp, ứng xử trong môi trường công việc; kỹ năng kỹ thuật là các kỹ năng chuyên môn phục vụ trực tiếp cho công việc của người lao động.

Nền giáo dục Việt Nam đã cung cấp được cho người lao động kỹ năng đọc viết đạt chuẩn quốc tế để bước vào nghề nghiệp. Tuy nhiên, các cụm kỹ năng hành vi và kỹ năng kỹ thuật thì chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, theo dữ liệu của Khảo sát STEP dành cho người sử dụng lao động 2011. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng lao động trong nước.

Chuyên gia giáo dục cao cấp của NHTG - bà Võ Kiều Dung cho biết: "Trong một nền kinh tế năng động thường xuất hiện khoảng cách giữa cung và cầu lao động. Điều quan trọng với Việt Nam hiện thời là làm thế nào để rút ngắn khoảng cách này để tạo ra sự phát triển, lợi thế cạnh tranh về lực lượng lao động so với các nước khác".

Cần gắn kết doanh nghiệp với nhà trường

Báo cáo xác định ba nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh về cung và cầu lao động gồm động cơ khuyến khích sự thay đổi trong chương trình đào tạo yếu, năng lực các sinh viên thấp và sự đứt gãy thông tin giữa 4 nhóm (Chính phủ, người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục đào tạo và học sinh/phụ huynh). Trong đó, việc gia tăng sự gắn kết về thông tin giữa doanh nghiệp và trường học là điều cần làm ngay.

> Kết nối người lao động có kiến thức và kỹ năng tốt
>Quan hệ doanh nghiệp-người lao động thời tăng giá
>Người lao động - nguồn lực phát triển kinh tế

Thực tế hiện nay, học sinh nông thôn không có đủ thông tin cần thiết để ra có thể lựa chọn nghề nghiệp chính xác theo khả năng và nhu cầu. Trong khi đó, học sinh thành phố thì lại bối rối do có quá nhiều thông tin chồng chéo về thị trường lao động. Điều này cho thấy cần thiết có một phương thức cung cấp thông tin có hệ thống và đồng bộ cho học sinh ở cả hai khu vực này.

Về ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể khái quát các thông tin mới nhất về thị trường lao động, tỷ suất tuyển dụng giữa các ngành nghề, yêu cầu của người sử dụng lao động đối với các lao động mới.

Sau đó, doanh nghiệp cung cấp thông tin cho các trường phổ thông giúp học sinh và gia đình có thêm cơ sở để lựa chọn nghề nghiệp, hỗ trợ trường đại học/dạy nghề điều chỉnh nội dung giáo dục nhằm cung cấp cho người lao động các kỹ năng sát với yêu cầu của thực tế nghề nghiệp.

Về dài hạn, các doanh nghiệp và nhà trường có thể phối hợp xây dựng mô hình đào tạo năng lực lao động chung, giảm thiểu sự chồng chéo trong đào tạo năng lực cho người lao động giữa nhà trường và công ty.

Một ví dụ cho mô hình liên kết nói trên đang được Chính phủ Việt Nam thử nghiệm ở ngành dịch vụ du lịch là Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS). VTOS ra đời nhằm giải quyết vấn đề năng lực cho các lao động cấp thấp của ngành du lịch.

Bước đầu nhóm thực hiện làm việc chặt chẽ với các đơn vị ngành, các cơ quan thương mại, các trường cao đẳng và các cơ quan Chính phủ để xây dựng bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn dành cho vị trí nhân viên cấp thấp.

3.000 giảng viên đã được tập huấn để đào tạo học viên đang học ở các trường ĐH/Cao đẳng/Nghề và tiếp tục nâng cao năng lực khi sinh viên trở thành nhân viên cấp thấp tại các công ty du lịch lữ hành. 140 đánh giá viên sẽ theo dõi các bên thực hiện nhằm đảm báo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo.

Hiện có 14 trường cam kết tham gia áp dụng VTOS vào chương trình giảng dạy. Dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thiện VTOS theo chuẩn chung của các nước ASEAN và mở rộng áp dụng cho các công ty du lịch lữ hành.

Các bài học trong quá trình triển khai VTOS sẽ là gợi ý cho các nhóm ngành khác xây dựng giải pháp nâng cao năng lực người lao động.

Song, theo quan điểm của NHTG, ngay lúc này, doanh nghiệp và nhà trường nên tăng cường gắn kết thông tin với nhau để các sinh viên có thể chủ động chuẩn bị các kỹ năng cần thiết trước khi ra trường theo yêu cầu của doanh nghiệp, hơn là chờ đợi những chính sách tác động lâu dài xuất hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lao động giỏi - yếu tố chi phối quyết định đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO