Ký kết EVFTA và EVIPA: Mở ra chân trời mới hợp tác toàn diện Việt Nam - EU

Hữu Danh| 30/06/2019 01:46

Việc Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví như con đường cao tốc lớn kết nối hai nền kinh tế với nhau.

Ký kết EVFTA và EVIPA: Mở ra chân trời mới hợp tác toàn diện Việt Nam - EU

Vào lúc 16g ngày 30/6/2019, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra lễ ký kết lịch sử giữa Việt Nam và EU về Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang trong chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước phát triển và các nước mới nổi (G20) đã về nước để tham dự lễ ký kết lịch sử này. Về phía EU có sự tham gia của bà Cecilia Malmstrom - Cao ủy Thương mại EU và ông Stefan Radu Oprea -  Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania. Hiện tại, Romania là nước đang giữ Chức chủ tịch luân phiên của EU và đóng góp rất nhiều cho quá trình đàm phán và thúc đẩy ký kết hiệp định thương mại quan trọng giữa khu vực và Việt Nam. 

Những kỳ vọng vô cùng lớn khi EVFTA và EVIPA được ký kết

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là ngày lịch sử của quan hệ Việt Nam - EU. Thủ tướng cho rằng, việc chính thức ký hai Hiệp định quan trọng là Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

Thủ tướng thay mặt cho người dân Việt Nam, gửi lời cảm ơn tới các lãnh đạo của Liên minh châu Âu đã ủng hộ cho quá trình đàm phán, thống nhất nội dung, thúc đẩy lễ ký kết ngày 30/6/2019. Với tầm nhìn hướng Đông, EU đã chọn Việt Nam là một đối tác lớn tại Đông Nam Á - quốc gia đang thực hiện các chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong khi đó, đối với Việt Nam, EU là một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới. Với những kỳ vọng đó, EVFTA và EVIPA đã giúp Việt Nam mở rộng hợp tác song phương với 28 nước thành viên EU.

Sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU, là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau, cùng hợp tác, cùng có lợi và cùng phát triển hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững và cho hòa bình, ổn định và phát triển.

“Để hai Hiệp định EVFTA và EVIPA có hiệu lực, mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp hai bên, tôi rất tin tưởng Nghị viện Châu Âu, Nghị viện các nước thành viên EU và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn các Hiệp định EVFTA và EVIPA, để khi có hiệu lực, hai Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông - Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của hai khu vực Á - Âu và toàn cầu”, Thủ tướng phát biểu.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, việc ký các Hiệp định EVFTA, EVIPA hôm nay mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. Việt Nam sẽ ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện hai hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh hùng cường.

Những thách thức không nhỏ đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam

Trước lễ ký kết, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ về quá trình tham gia vào thỏa thuận hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU. Ông cho biết, sau 15 năm, Việt Nam đã tự tin hơn rất nhiều để bước tới sự hợp tác sâu rộng với EU. Sau lễ ký kết, hai bên sẽ có phải đi qua một chặng đường dài để cả hai hiệp định được phê chuẩn và đi vào thực chất. 

Bên cạnh những nhận định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ những thách thức khi Việt Nam tham gia vào hiệp định. Thách thức không chỉ ở trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong các lĩnh vực khác như: Thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, lao động, phát triển bền vững. Việt Nam buộc phải tích cực rà soát, hoàn thiện các thể chế đầu tư để tạo môi trường tốt hơn cho các nhà đầu tư EU và việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp, người dân. 

Trong khi đó, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết, hai hiệp định là thành quả rất lớn, quá trình đàm phán rất dài, và giờ đây việc có thể đặt bút ký hiệp định quan trọng này chính là một mốc son đặc biệt trong quan hệ giữa hai bên. Hiệp định này không chỉ giúp hai bên hợp tác phát triển về kinh doanh thương mại mà còn giúp phát triển một cách bền vững thông qua việc cải cách các quy định bảo vệ, bảo hộ từ cả hai phía.

Hiệp định EVFTA tác động đến tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và EU, bao gồm: Thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế…

EVFTA thực sự là một hiệp định đầy tham vọng khi cả hai bên cam kết sẽ xóa bỏ khoảng 65% dòng thuế ngay lập tức khi hiệp định có hiệu lực. Trong vòng từ 7-10 năm, khoảng 99% dòng thuế sẽ được gỡ bỏ. 

Đối với Hiệp định EVIPA, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc đối với dòng đầu tư của đối tác. Đồng thời, hai bên cũng phải đáp ứng sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn...

Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh giữa một bên và nhà đầu tư của bên kia, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán và hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này.

Sau lễ ký kết, Hiệp định sẽ được trình lên Nghị viện Châu Âu để được chấp thuận. Một khi Nghị viện châu Âu đồng ý, hiệp định thương mại có thể được Hội đồng chính thức ký kết và có hiệu lực, trong khi thỏa thuận bảo vệ đầu tư sẽ cần được các quốc gia thành viên phê chuẩn theo thủ tục nội bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ký kết EVFTA và EVIPA: Mở ra chân trời mới hợp tác toàn diện Việt Nam - EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO