Kinh tế Việt Nam - Lướt qua khủng hoảng

DNSG| 31/12/2009 08:24

1.Kích thích kinh tế phát huy tác dụng; 2.Vàng, USD biến động mạnh; 3.Thay đổi bất ngờ lãi suất và tỷ giá; 4. Hàng Việt khởi sắc; 5.Cam kết ODA kỷ lục; 6.Thị trường chứng khoán dần hồi phục...

Kinh tế Việt Nam - Lướt qua khủng hoảng

Do ảnh hưởng của cơn bão tài chính thế giới, kinh tế Việt Nam trải qua một năm nhiều biến động. Nhưng sức bật của một nền kinh tế đang phát triển nhanh đã giúp Việt Nam ổn định một cách tương đối so với nhiều nền kinh tế khác. Mặc dù vậy, điểm lại những sự kiện kinh tế tiêu biểu của năm 2009, có thể thấy bộc lộ một số nhiều khiếm khuyết về quản lý và chính sách vĩ mô...

Kích thích kinh tế phát huy tác dụng

Một trong những yếu tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam phục hồi trong năm 2009 là do các gói kích thích kinh tế mà Chính phủ thực hiện đã phát huy tác dụng. Với việc hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh; cho hộ nông dân vay vốn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; giãn, giảm, ân hạn thời gian nộp thuế, miễn thuế cho người dân và doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam đã dần vượt qua khó khăn và tiếp tục tăng trưởng. Ước cả năm 2009, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 708.500 tỷ đồng, bằng 42% GDP, tăng 16% so với năm 2008.

Vàng, USD biến động mạnh

Giá vàng đột ngột tăng từ hơn 23 triệu đồng/ lượng vào đầu tháng 10 lên tới mức 29,3 triệu đồng vào ngày 11/11. Cơn sốt vàng bất thường khiến giới đầu tư và người dân náo loạn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp “mạnh tay” để bình ổn thị trường bằng cách cho phép nhập khẩu lại vàng nhưng vàng vẫn tăng giảm không rõ ràng. Cùng thời điểm, đã có những biến động bất thường trên thị trường ngoại hối, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Có thời điểm, giá USD trên thị trường tự do xấp xỉ ngưỡng 20.000 đồng/USD. Khoảng cách quá lớn giữa giá USD trên thị trường tự do và thị trường chính thống đã tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm USD. Giá vàng và ngoại tệ biến động không đáng có cho nhiều bài học về quản lý thị trường cũng như gióng lên báo động về nạn đầu cơ đang hoành hành tại Việt Nam.

Thay đổi bất ngờ lãi suất và tỷ giá

Sáng 25/11/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ ký ban hành quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 8%, sau 10 tháng liên tiếp duy trì ở mức 7%/năm; lãi suất tái cấp vốn cũng tăng từ 7% lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 5% lên 6%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên 17.961 VND/USD và áp dụng biên độ tỷ giá mới cho giao dịch mua bán giao ngay giữa USD và VND là +-3%, thay cho +-5%. Qua lần điều chỉnh này, đồng Việt Nam đã mất giá 3,44%. Sự giảm giá này góp phần làm dịu thị trường ngoại hối, nâng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ vừa qua đã đúng hướng nhưng vẫn còn không ít lo ngại về cách điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Hàng Việt khởi sắc

Bộ Chính trị chủ trương tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt và sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, góp phần đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn. Cuộc vận động này đã tạo ra làn sóng hưởng ứng tích cực trong cộng đồng người dân và doanh nghiệp.

Cam kết ODA kỷ lục

Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG-2009), cộng đồng tài trợ quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam 8,063 tỷ USD vốn ODA trong năm tài khoá 2010. Đây là mức cam kết kỷ lục từ trước đến nay, đặc biệt trong bối cảnh kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận các nguồn vốn vay bị hạn chế. Cam kết ODA năm 2009 vượt xa mọi con số trước đó, chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và mức giải ngân được coi là có nhiều chuyển biến tích cực.

Thị trường chứng khoán dần hồi phục

Đầu tháng 2/2009, thị trường chứng khoán xác lập mức đáy mới, VN-Index tuột khỏi mốc 300 điểm, xuống mức 286,11 điểm. Đến cuối năm, VN-Index lấy lại được mốc xấp xỉ 500 điểm sau nhiều lần trượt khỏi mức điểm này. Mặc dù thị trường chứng khoán năm 2009 đã chứng kiến không ít thăng trầm nhưng VN-Index đã nỗ lực không ngừng để giành lại số điểm đã mất. Sự phục hồi của thị trườpng chứng khoán là tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế đang ấm dần.

Tin đồn bùng phát

Khủng hoảng và những biến động kinh tế tạo cơ chế cho những tin đồn bùng phát trong năm. Tin đồn đủ các loại đã tấn công mọi thị trường từ gạo, dầu, đến vàng, USD và chính sách tiền tệ. Các tin đồn liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ như tăng lãi suất cơ bản, tăng dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc... đã tác động lớn đến thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khóan. Tin đồn lan tràn buộc cơ quan chức năng phải xem xét lại cơ chế cung cấp thông tin và cả việc ổn định chính sách quản lý.

Các dự án phát triển năng lượng

Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đã sản xuất thành công mẻ xăng, dầu đầu tiên, được chế biến từ nguồn dầu thô của đất nước, đánh dấu bước khởi đầu phát triển của ngành lọc hóa dầu Việt Nam. Quốc hội thông qua dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, tổng công suất trên 4.000MW, tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khởi công vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.

Kiềm chế lạm phát

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ suy thoái kinh tế chung nhưng tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn tăng dần qua bốn quý, lần lượt là 3,1%, 4,5%, 5,8% và 6,8%. Ước cả năm 2009, GDP đạt khoảng 5,2% so với mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 5%. Trong khi tăng trưởng GDP đạt được kết quả khả quan như vậy thì Chính phủ vẫn thực hiện tốt các biện pháp kiềm chế lạm phát. Cụ thể lạm phát năm 2009 chỉ ở mức trung bình, khoảng 7%

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam - Lướt qua khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO