Kinh tế là động lực phát triển văn minh đô thị

Nguyễn Loan| 16/01/2020 07:00

Với kết quả bứt phá ngoạn mục về kinh tế và sự chuyển biến tích cực của chương trình “Đột phá cải cách hành chính” của TP.HCM, năm 2019 được xem là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho năm đầu tiên của thập kỷ mới - năm 2020 chinh phục những đỉnh cao mới.

Kinh tế là động lực phát triển văn minh đô thị

Người dân và doanh nghiệp hài lòng 

Khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cuối năm 2019 cho thấy, trên 80% tỷ lệ người dân và doanh nghiệp (DN) hài lòng về thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công tại tất cả quận, huyện trên địa bàn. Đây là sự chuyển biến tích cực của từng tập thể, cá nhân trong bộ máy chính quyền; xóa bỏ được định kiến của người dân và DN khi tiếp cận các dịch vụ hành chính công. Để làm được điều đó, Thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính (CCHC) ở tất cả các cấp với quyết tâm tạo bước đột phá quy mô, hiệu quả; lấy thước đo sự hài lòng của người dân và DN làm mục tiêu; thực hiện CCHC đi đôi với công tác kiểm tra, đánh giá kết quả; tổng hợp ý kiến, bổ sung văn bản hướng dẫn chấm điểm chỉ số CCHC để việc triển khai có hiệu quả đến tận cấp phường, xã; công bố công khai thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông, thủ tục hành chính điện tử; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và DN.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu, rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0; Thành phố đã đồng hành cùng DN thực hiện nhiều giải pháp quan trọng: Chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ đổi mới công nghệ; hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực; kết nối DN với ngân hàng và các tổ chức tín dụng; đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; giúp DN quảng bá thương hiệu DN, thương hiệu sản phẩm; mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM: “Tất cả đều hướng đến mục tiêu đồng hành và hỗ trợ tốt nhất để DN phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi”.

Bứt phá ngoạn mục 

11/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm 2019, củng cố vị thế đầu tàu trong cả nước của TP.HCM trong nhiều năm qua. Trước bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, suy thoái, Thành phố vẫn duy trì tăng trưởng cao. Thu ngân sách đạt 412.474 tỷ đồng (bình quân 1.620 tỷ đồng/ngày làm việc), tăng 3,34% so với chỉ tiêu và tăng 9% so với kế hoạch thu năm 2018. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1.347.369 tỷ đồng, tăng 8,32%. Năng suất lao động năm 2019 ước đạt 299,8 triệu đồng/người (tăng 6,82%)... Điều này chứng minh TP.HCM đang tiến những bước phát triển rất mạnh mẽ. Kinh tế tăng trưởng phản ánh trung thực tiềm năng nội lực của Thành phố. Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: TP.HCM đóng góp 45% tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ; 68% tổng vốn đầu tư xã hội; 32,3% sản lượng công nghiệp và 32% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trên phạm vi cả nước, Thành phố đạt 24% giá trị tổng sản phẩm xã hội, 28% tổng thu ngân sách, 18% quy mô sản xuất công nghiệp, 16% tổng kim ngạch xuất khẩu... 

Link bài viết

Tập trung cho đề án xây dựng đô thị thông minh nhằm tối ưu các nguồn lực: nhân lực, tài nguyên, công nghệ, vị trí địa lý... đảm bảo cho Thành phố phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 4 trụ cột chính của đề án là: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế - xã hội; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; thành lập trung tâm an toàn thông tin. Năm 2019 là giai đoạn 1, Thành phố đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu ở nhiều lĩnh vực (Trung tâm điều hành đô thị thông minh kết nối, tích hợp dữ liệu hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông - Vận tải và UBND một số quận, huyện với hơn 1.100 camera; ứng dụng hệ thống GIS quản lý hạ tầng đô thị gồm các lớp dữ liệu bưu chính viễn thông, điện nước, tài nguyên môi trường). Huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích việc đặt hàng DN (ưu tiên các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông). Nguồn vốn ngân sách được tập trung vào các dự án trụ cột tạo nền tảng, cơ sở cung cấp dịch vụ, tiện ích chung cho người dân và DN. 

Động lực phát triển 

Năm 2020 được TP.HCM chọn với chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” được hy vọng đem đến diện mạo mới cho công cuộc xây dựng “đô thị thông minh”. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2020 (theo Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 34, khóa X) được đặt ra. Trong đó: GRDP đạt 8,3-8,5%; TFP (năng suất tổng hợp) vào GRDP đạt từ 36% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 35% GRDP; thu ngân sách đạt 100% dự toán; thành lập mới 44.000 DN; tạo việc làm mới cho 135.000 người lao động... TP.HCM cũng đặt trách nhiệm mình trước những thách thức mới, vận hội mới với chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh ưu tiên hàng đầu; ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ và giá trị gia tăng cao; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ thực hiện các đề án xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, trung tâm tài chính (TTTC), phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp...

Điểm lại 10 sự kiện được bình chọn trong năm 2019 của Thành phố, trong đó đáng chú ý: “Kinh tế Thành phố đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng”, cho thấy đây là động lực phát triển xã hội một cách toàn diện. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, lộ trình và những bước đi cụ thể để hình thành thành TTTC của khu vực và thế giới, thông qua việc đẩy mạnh ứng dựng công nghệ, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển thị trường tài chính với 5 mục tiêu cốt lõi: môi trường kinh doanh; nguồn lực con người; cơ sở hạ tầng; mức độ phát triển ngành tài chính và danh tiếng của địa phương. Đây là nền tảng mấu chốt để hình thành TTTC. 

Để thực hiện thành công chủ đề "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh. Gắn phát triển kinh tế với tái cấu trúc theo chiều sâu, hiệu quả. Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo... Lãnh đạo Thành phố luôn cầu thị lắng nghe, tạo điều kiện và mong các DN, doanh nhân luôn đồng hành, chung tay, góp sức cùng chính quyền và người dân xây dựng TP.HCM xứng đáng truyền thống thành phố đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; thành phố văn hóa, văn minh và đáng sống. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế là động lực phát triển văn minh đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO