Kiến nghị giải pháp "tháo" khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

Lữ Ý Nhi| 26/08/2022 04:56

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã đồng loạt làm đơn xin tạm thời nghỉ bán vì mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, rơi vào cảnh càng hoạt động càng lỗ liên tục và không thể duy trì ổn định nguồn hàng phục vụ cho xã hội.

Kiến nghị giải pháp

Theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, hiện mức chiết khấu đối với xăng và dầu đang  ở mức 0 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước...tăng cao khiến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ nhưng vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ này còn rơi vào khó khăn khác là đứt nguồn cung. Ông Văn Công Thật- Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc cho biết: 'Lo sợ  đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng phạt nên để tiếp tục kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, đại lý phải bỏ thêm tiền để mua dầu và xăng nhưng nguồn cung rất hạn chế, muốn mua cũng phải năn nỉ. Trong khi đó, chi phí mặt bằng, vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước...đang tăng khiến cho việc kinh doanh của các đại lý bán lẻ xăng dầu bị lỗ nặng.

Thông tin đến 2:55 phút ngày 26/8, nhiều doanh nghiệp và ông Thật cho biết: "Đã đứt nguồn cung hoàn toàn" do đầu mối thông báo không có nguồn cung.

Về phía đầu mối bán buôn cũng cho rằng, họ cũng đã lỗ nên có thể cũng không nhập hàng về. Với mỗi khối dầu nhập về, họ lỗ tới 2,6 - 2,7 triệu đồng. 

Trao đổi với phóng viên DNSG, các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu cho biết, hiện “tình cảnh” kinh doanh của chúng tôi đang rất nhiều bất ổn. Thế nhưng, chưa thấy cơ quan Nhà nước hay Sở Công Thương quan tâm và thấu hiểu.

-3832-1661499982.jpg

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp này: ‘Thực tế cho thấy, mỗi khi có biến động địa chính trị trên thế giới thì dường như các cơ quan Nhà nước chỉ quan tâm đến các Tập đoàn và các doanh nghiệp lớn nhập khẩu xăng dầu mà quên đi các đại lý, cửa hàng bán lẻ của khối doanh nghiệp tư nhân. Một trong những rào cản là do cơ chế thị trường, sự điều hành bất cập của các Bộ ngành liên quan. Theo các doanh nghiệp này, họ kinh doanh dịch vụ có điều kiện, lẽ ra tỷ suất lợi nhuận phải được đảm bảo bằng hoặc cao hơn như những ngành nghề khác để duy trì hoạt động phục vụ tốt cho người dân nhưng vẫn còn bất cập.

Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra như : “Tại sao phải trích quỹ bình ổn?  Trích quỹ bình ổn kỳ này có đúng mục đích Chính phủ đề ra và có phục vụ tốt cho xã hội chưa? Tại sao buộc các cửa hàng bán lẻ tư nhân lỗ liên tục mà không được đóng cửa trong khi chi phí mặt bằng, chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước... tăng khiến cho việc kinh doanh của các đại lý bán lẻ xăng dầu bị lỗ nặng?

Hàng loạt Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc, Công ty TNHH MTV Quang Liêm, Công ty TNHH DT DV Thông Thái, Công ty TNHH MTV XD TM & DV Minh Phát, Công ty TNHH XD Minh Đạt, Công ty TNHH Xăng Dầu Tân Nguyễn Sơn, Công ty TNHH MTV Xăng Dầu Võ Văn Vân, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Xăng Dầu Bùi Công Trừng – CHXD Láng Le, Công ty TNHH MTV  Dầu khí Đông Sài Gòn, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Năng Lượng Sài Gòn đều đồng loạt đưa ra kiến nghị và giải pháp: Nhà nước nên bỏ trích quỹ bình ổn. Thay vào đó cần hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng Quốc gia phân bố cho các kho đầu mối lưu giữ  (không được thâm hụt khi chưa được phép của Chính phủ) để tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng dầu thế giới xuống không nhập hàng làm cho chuỗi cung ứng ra thị trường xảy ra như tình trạng hiện nay.  Nhà nước cần rút giấy phép vĩnh viễn các công ty đầu mối không tuân thủ theo quy định về an ninh năng lượng.                                               

Theo các doanh nghiệp này, phải điều chỉnh cơ chế giá thành bán lẻ để doanh nghiệp đầu mối chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600đ - 800đ/lít xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ để đủ sức duy trì hoạt động. Nhà nước cần rút ngắn thời gian điều hành giá trong vòng 24h kể cả ngày nghỉ, lễ vì hiện nay chúng ta thực hiện Chính phủ điện tử thì các Bộ liên quan họp trực tuyến là cách phục vụ tốt nhất cho dân và tránh được tình trạng găm hàng tạo ra khan hiếm mất an ninh.

Nên cho cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng nhiều doanh nghiệp đầu mối để vừa tăng sức cạnh tranh vừa đáp ứng được nguồn hàng (vì hiện nay mỗi DN bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với một doanh nghiệp đầu mối khi có sự cố thì doanh nghiệp bán lẻ không được lấy hàng từ đầu mối khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiến nghị giải pháp "tháo" khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO