Kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư công: Để không tái diễn tình trạng sử dụng lãng phí

Nguyễn Hoàng| 11/12/2020 05:40

Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ bản và thực tế đang đặt ra hai vấn đề: tỷ lệ vốn lớn chưa giải ngân và chất lượng các công trình đầu tư công, đặc biệt là công trình giao thông.

Mười một tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Nhưng trong các báo cáo, ít nhất từ quý II đến nay - khi đầu tư công được xem là biện pháp quan trọng chặn đà suy giảm kinh tế bởi Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế - vẫn tồn tại những quan ngại về tiến độ và chất lượng các công trình. 

Trước hết, tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đang "kém tích cực" - theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án này được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỷ đồng và được bố trí vốn lũy kế từ 2018-2020 là 18.195,035 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch năm 2018 là 4.500 tỷ đồng, kế hoạch năm 2019 là 6.990 tỷ đồng và kế hoạch năm 2020 là 6.705,035 tỷ đồng. Trong khi đó, "sự chỉ đạo quyết liệt" của tỉnh Đồng Nai trong việc thúc đẩy giải ngân chưa mang lại kết quả như mong muốn, khi lũy kế giải ngân đến nay là 4.096,052 tỷ đồng, chỉ đạt 22,5% kế hoạch được giao. 

Tăng trưởng GDP năm 2020 có thể đạt từ 2,5-3% và việc hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công năm nay sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế năm 2021, mở đầu triển khai kế hoạch kinh tế 5 năm 2021-2025. Có khả năng không có thêm biện pháp mới nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, dù vẫn có 13 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%.

35345345-2236-1607569256.jpg

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ giải ngân vấn đầu tư công, đó là bên cạnh những nguyên nhân cũ, nguyên nhân lớn nhất là tình trạng giải phóng mặt bằng chậm, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích kéo dài.

Đầu tư công - một phạm trù tài chính gắn liền với chức năng quản lý của Nhà nước và có liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam lần đầu có kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo quy định của Luật Đầu tư công. Giới phân tích chính sách cho đây là bước đổi mới quan trọng về thể chế, giúp quản lý đầu tư công từ ngân sách nhà nước trở nên minh bạch hơn với trách nhiệm giải trình cao hơn. 

Nhà nước đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả những công trình đầu tư từ ngân sách. Nhưng kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư công cần được sử dụng như một công cụ đắc lực trong quản lý kinh tế. Chỉ khi đó, một đồng vốn của Nhà nước bỏ ra, hiệu quả thu được bao nhiêu mới có thể được cân đong hợp lý, dựa trên những quy định pháp luật, nguyên lý khoa học và vì lợi ích toàn dân.

Tổng vốn đầu tư công theo kế hoạch được giải ngân trong năm 2020 còn rất lớn. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 31.918 tỷ đồng, đạt 80,1% kế hoạch, trong khi tổng kế hoạch được giao khoảng 39.826 tỷ đồng, gồm 36.122 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 3.704 tỷ đồng kế hoạch kéo dài.

Hiệu quả quản lý đầu tư công được đặt ra trong bối cảnh nguồn lực tài chính của quốc gia có giới hạn. Do đó, nếu đầu tư công không được kiểm soát chặt chẽ có thể lại tái diễn tình trạng sử dụng lãng phí.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 dự kiến là 477.300 tỷ đồng, tăng 1,4% so với kế hoạch 2020, trong đó vốn ngân sách trung ương là 222.000 tỷ đồng (tăng 0,9% so với kế hoạch năm 2020), bao gồm vốn trong nước là 170.450 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài là 51.550 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 255.300 tỷ đồng (tăng 1,9%). Vốn trong nước dự kiến phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia 16.000 tỷ đồng, bố trí cho dự án quan trọng 19.698 tỷ đồng (dự án cao tốc Bắc - Nam là 15.038 tỷ đồng, dự án tái định cư sân bay Long Thành 4.660 tỷ đồng), cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý, vốn điều lệ cho các ngân hàng và quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là 5.552 tỷ đồng, đầu tư cho các dự án quốc phòng từ lợi nhuận sau thuế của Viettel 5.000 tỷ đồng, bố trí 18.209 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm… Số vốn còn lại bố trí cho các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực là 104.049,11 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư công: Để không tái diễn tình trạng sử dụng lãng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO