Khách quốc tế tháng Mười tăng 99%

DNSG| 03/11/2010 08:40

Khách quốc tế tháng Mười tăng 99%; Nhật Bản tài trợ 6 tỷ USD cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn; Thành lập Quỹ Đầu tư Việt - Nga; Bán lẻ của doanh nghiệp FDI tăng cao nhất; Tháng 10/2011 sẽ khai thác sân bay Phú Quốc; Sản phẩm sữa của Việt Nam cạnh tranh yếu; Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Thu hút hơn 32.000 tỷ đồng.

Khách quốc tế tháng Mười tăng 99%

Khách quốc tế tháng Mười tăng 99%

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng Mười, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 440.000 lượt, tăng trên 99% so với cùng kỳ năm 2009.

Còn tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón gần 4,172 triệu lượt khách. Trong đó, lượng khách đến từ Campuchia tăng hơn 97%, Trung Quốc tăng hơn 90%, Thái Lan tăng 41% so với năm trước.

Khách du lịch đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, ước tính hơn 3 triệu lượt người. Riêng ở khu vực TP.HCM, theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ước tính trong tháng Mười TP.HCM đón khoảng 400.000 lượt khách quốc tế, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2009.

H.An

Thành lập Quỹ Đầu tư Việt - Nga

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai thành lập Quỹ Đầu tư Việt - Nga dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Dmitry Medvedev.

Quy mô Quỹ dự kiến khoảng 500 triệu USD, sẽ được huy động qua vốn từ các nhà đầu tư ưu tiên từ Nga và một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Trung Đông.

Lĩnh vực đầu tư của Quỹ sẽ tập trung vào các dự án then chốt, tiềm năng tại Việt Nam như: điện, nước, năng lượng, kim loại và mỏ, cơ sở hạ tầng, hóa chất, môi trường, vận tải, công nghiệp tiêu dùng và viễn thông. Quỹ này dự kiến sẽ được ra mắt vào cuối năm 2011.

L.Thao

Bán lẻ của doanh nghiệp FDI tăng cao nhất

Mặc dù chỉ chiếm 3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của cả nước trong 10 tháng đầu năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng bán lẻ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất so với các khu vực kinh tế khác, đạt 52%.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm ước đạt 1.282.020 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng trưởng bán lẻ đạt 15%.

Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 10,2% và tăng 36,2%; khu vực kinh tế tập thể chiếm 1,1% và tăng 36,4%; tư nhân chiếm 34,6% và tăng 38,8%; khu vực kinh tế cá thể chiếm cao nhất, 51,1% và tăng 14,2%.

N.Long

Nhật Bản tài trợ 6 tỷ USD cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa ký Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản. Theo đó, ngân hàng này sẽ tài trợ 6 tỷ USD cho dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Theo thỏa thuận, Mizuho cung cấp các dịch vụ tài chính phục vụ cho kế hoạch đầu tư phát triển của PVN thông qua thị trường vốn Nhật Bản và toàn cầu. Đặc biệt, Mizuho cũng xem xét việc tài trợ cho phần vốn góp của PVN trong dự án này.

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ được hoàn thành trong năm 2013 với vốn đầu tư trên 6 tỷ USD. Tham gia đầu tư dự án có PVN, Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait, Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật). Riêng PVN góp 25% tổng mức đầu tư.

T.Lộc

Tháng 10/2011 sẽ khai thác sân bay Phú Quốc

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Tổng công ty cảng Hàng không Miền Nam phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Cảng hàng không Phú Quốc, đảm bảo đưa sân bay vào khai thác trong tháng 10/2011.

Theo Tổng công ty cảng Hàng không Miền Nam, dự án cảng hàng không Phú Quốc là mô hình dự án sân bay có tầm cỡ quốc tế đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Tổng diện tích toàn sân bay hơn 900ha với tổng số vốn đầu tư trên 16.200 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư đến năm 2020 là trên 8.000 tỷ đồng. Số máy bay tiếp nhận tại giờ cao điểm là 20 máy bay với 7 triệu hành khách/năm và lượng hàng hóa tiếp nhận là 27.600 tấn/năm.

H.Khuyên

Sản phẩm sữa của Việt Nam cạnh tranh yếu

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sữa là một trong những ngành đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực thực phẩm ở Việt Nam, với mức tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 18% năm.

Tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam từ mức 8,09 lít/người/năm vào năm 2000 đã lên tới 14,81 lít/người/năm vào năm 2008, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm trong giai đoạn 2000-2008.

Tuy nhiên, so với một số nước khác trong khu vực như Thái Lan, tiêu thụ sữa tại Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sữa Việt Nam không cao do phải phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu, chất lượng sữa, đặc biệt là sữa bột các loại có khả năng cạnh tranh rất kém so với sữa ngoại nhập do 100% nguyên liệu, thiết bị, công nghệ phải nhập khẩu.

Sữa bột nhập khẩu hiện chiếm thị phần trên thị trường khá cao (khoảng 72%), sữa bột trong nước sản xuất thị phần chiếm ít hơn là Vinamilk (20%), Nutifood (5%) và khoảng dưới 10% doanh nghiệp nhỏ trong nước không có thương hiệu nhập về đóng gói...

B.HỢP

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Thu hút hơn 32.000 tỷ đồng

Đến cuối tháng 10/2010, Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đã thu hút được 35 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 32.000 tỷ đồng.

Trong đó có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,352 tỷ USD, 24 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 10.395 tỷ đồng. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sẽ đảm bảo có mặt bằng sạch khoảng 1.000ha phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển của khu kinh tế.

Năm 2011, Ban Quản lý Khu kinh tế dự kiến đưa tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn khu kinh tế đạt khoảng 3.500 đến 4.000 tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư mới khoảng 5.000 tỷ đồng.

T.Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khách quốc tế tháng Mười tăng 99%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO