Hội nhập TPP: Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực quản trị

18/03/2016 09:25

Phần lớn các công ty đại chúng Việt Nam có điểm quản trị dưới mức trung bình, trong đó có 2 điểm yếu nhất chính là trách nhiệm của Hội đồng quản trị và minh bạch thông tin.

Hội nhập TPP: Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực quản trị

Hội nhập kinh tế là sự nghiệp chung. Vì vậy, doanh nghiệp (DN), cả lớn lẫn nhỏ, phải chủ động bước vào thị trường với tâm thế chấp nhận cạnh tranh một cách chủ động để “ai cũng có thành quả của riêng mình” nếu tận dụng tốt cơ hội. 

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam tại hội thảo “Đối thoại TPP - Cơ hội nào cho DN Việt Nam” tổ chức ngày 17/3 tại TPHCM.

Ông Trần Quốc Khánh cho rằng sau khi TPP được ký kết, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam là nước duy nhất có quan hệ thương mại tự do với tất cả các khu vực kinh tế, thị trường lớn trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam như là địa điểm, “cửa ngõ” để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường ASEAN, Mỹ, EU.

Nhà đầu tư mang các chuỗi sản xuất đến Việt Nam và kỳ vọng Việt Nam sẽ là một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện giờ, các DN FDI đang có lợi thế nắm bắt đón đầu cơ hội hơn các DN trong nước, tuy nhiên, trong thời gian tới, các DN Việt Nam cũng sẽ nắm bắt được các cơ hội cho riêng mình.

Ông Trần Quốc Khánh cho rằng, cần nhìn theo hướng tích cực, khi tham gia TPP và các hiệp định thương mại tự do giúp xuất khẩu tăng (trong đó có sự đóng góp ngày càng lớn từ khối FDI) sẽ tạo cơ hội cho các ngành khác trong nước phát triển như cảng biển, ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán...

Tuy nhiên, cơ hội từ TPP tự nó không biến thành lợi ích mà tùy thuộc vào việc DN có nắm bắt được cơ hội hay không. Bản thân cơ hội cũng phân chia không đều, DN nào có sự chuẩn bị tốt sẽ thu được nhiều thuận lợi và cơ hội cũng luôn đi kèm thách thức.

Theo ông Khánh, hội nhập kinh tế không phải riêng Chính phủ mà là sự nghiệp của toàn dân, trong đó có DN. Vì vậy, DN, cả DN lớn và nhỏ, đều phải chủ động bước vào thị trường với tâm thế chấp nhận cạnh tranh một cách chủ động, nhất là phải biết tận dụng cơ hội.

Ông Khánh dẫn thí dụ về thị trường sữa Việt Nam, trước đây các DN nước ngoài “thống trị” nhưng giờ đã đổi khác. Như vậy, có thể thấy khi mới hội nhập chúng ta làm thuê, học hỏi để lấy kinh nghiệm và tiến tới làm chủ.

Theo ông Trần Quốc Khánh, để tạo thuận lợi cho các DN phát triển, thời gian qua Chính phủ nỗ lực hoàn thiện thể chế theo hướng Nhà nước kiến tạo để tạo thuận lợi cho mọi thành phần DN hoạt động và tăng cường tương tác, trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đặc biệt trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về TPP nhấn mạnh việc Chính phủ có thể làm để hỗ trợ tối đa cho DN.

Một vấn đề khác được quan tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là quản trị DN. Nói đến vấn đề quản trị của các DN Việt Nam, bà Trần Anh Đào - Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK TPHCM cho biết, trong 3 năm gần đây, phần lớn các công ty đại chúng của Việt Nam có điểm quản trị dưới mức trung bình, trong đó có 2 điểm yếu nhất chính là trách nhiệm của Hội đồng quản trị và minh bạch thông tin. Những bất cập này gây e ngại cho các nhà đầu tư.

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su, Nhựa TP.HCM cho rằng, để tận dụng được các cơ hội từ hội nhập, DN Việt Nam phải thay đổi cách quản trị. Hiện nay, có nhiều trường hợp DN niêm yết xong lại tiếp tục quay lại xu hướng quản trị gia đình.

Còn theo ông Trần Quốc Khánh, đổi mới quản trị không chỉ là quản trị tài chính mà cần đổi mới trong quản trị về nhân sự, lao động, đáp ứng đầy đủ các cam kết hội nhập giữa Việt Nam và quốc tế, có như vậy mới nâng cao được năng lực cạnh tranh cho DN Việt.

>"Nữ tướng" nói về quản trị doanh nghiệp

>Quản trị doanh nghiệp Việt: Tồn tại hay không tồn tại?

>7 bí quyết quản trị doanh nghiệp của Jack Ma

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nhập TPP: Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực quản trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO