Hiệp định TPP: Ngách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

NGUYÊN BẢO| 27/10/2015 03:42

Khi TPP thực thi, các DN nhỏ và vừa có thể trở thành vệ tinh của DN lớn, không nhất thiết phải tham gia vào thị trường xuất khẩu mà vẫn gắn bó với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiệp định TPP: Ngách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Việt Nam là nền kinh tế có quy mô nhỏ nhất trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đám phán TPP của Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) vẫn có cơ hội để tận dụng những lợi ích mà TPP mang lại.

Đọc E-paper

Trao đổi bên lề Hội nghị Đầu tư 2015 do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức hồi cuối tuần qua tại TP.HCM, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, dù đã kết thúc đàm phán nhưng Hiệp định TPP chỉ mới đi được 50% chặng đường, phần còn lại sẽ chờ Quốc hội các nước tham gia đàm phán thông qua.

Cũng theo Thứ trưởng Khánh, sau khi rà soát các vấn đề pháp lý, nội dung đàm phán TPP dự kiến sẽ được công bố vào tháng 11 sắp tới. Nếu so với các hiệp định thương mại khác, TPP là hiệp định kinh tế đặc biệt, bởi đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay với 12 quốc gia, chiếm 40% kinh tế thế giới và khoảng 30% thương mại toàn cầu.

TPP cũng là hiệp định thương mại tự do có phạm vi điều chỉnh rộng nhất từ trước đến nay, ngoài vấn đề thương mại, đầu tư còn bao hàm những vấn đề rất mới như doanh nghiệp nhà nước hay các cam kết có tác động mở đường cho thương mại điện tử phát triển (không phân biệt đối xử đối với sản phẩm số, không áp thuế xuất nhập khẩu (XNK) và phí nội địa với các sản phẩm này, khẳng định quyền truy cập và lưu trữ thông tin trên internet...).

TPP gần như xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu nên nói về tác động của TPP với thị trường hàng hóa Việt Nam đã có không ít phân tích, rằng DN trong nước sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt bởi hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường trong TPP.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, TPP mở ra những cơ hội lẫn thách thức cho nền kinh tế. Trước hết, nói về tác động tích cực, do gần gũi về khoảng cách địa lý và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nên thời gian qua, trên 60% kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam tập trung ở khu vực Đông Á.

Việc gần đây Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu, EU và sắp tới là TPP là những nỗ lực để Việt Nam cân đối lại thị trường XNK, tránh tình trạng quá phụ thuộc vào một vài thị trường.

>>Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 257 tỷ USD

TPP mở ra cơ hội tăng trưởng về xuất khẩu, đặc biệt, các mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ. Thêm vào đó, DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận sâu những thị trường lớn như Canada, Mỹ, Nhật Bản...

Điều này sẽ tạo ra kích thích rất lớn kết hợp với các cam kết của Việt Nam về minh bạch hóa môi trường kinh doanh sẽ dẫn đến cải thiện về đầu tư nước ngoài, góp phần tạo công ăn việc làm, năng lực sản xuất. Với năng lực này sẽ giúp Việt Nam nắm bắt các cơ hội sau khi gia nhập TPP.

Khi TPP thực thi, các chuỗi sản xuất sẽ dịch chuyển vào khu vực này, từ đó có lợi cho DN nhỏ và vừa, họ có thể trở thành vệ tinh của DN lớn, không nhất thiết phải tham gia vào thị trường xuất khẩu mà vẫn gắn bó với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lợi ích quan trọng nhất là với các cam kết sâu rộng trong TPP so với WTO sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực một cách hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó, TPP hỗ trợ tích cực công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đặc biệt, TPP hướng đến môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch hóa quá trình xây dựng chính sách, tạo tác động tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế và cải cách hành chính, khi đó các nhà đầu tư đều được hưởng lợi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nêu ra những thách thức mà nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam có thể đối diện khi TPP thực thi, đó là lĩnh vực nông nghiệp, do không dễ dàng thay đổi cơ cấu trong một sớm một chiều vì ngay như người nông dân cũng vướng phải những hạn chế về vùng nguyên liệu.

Để thực hiện việc chuyển dịch, cả nông dân và DN phải sát cánh cùng nhau và quá trình này chắc chắn sẽ có độ trễ nhất định.

>>Thách thức của ngành chăn nuôi trước hội nhập

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệp định TPP: Ngách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO