Hãy hồi sinh cho bảo hiểm nông nghiệp

Nguồn eFinance| 19/08/2009 05:23

Nông nghiệp VN trở thành “hiện tượng lạ” trên thế giới khi có tới 80% là nông dân, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 30% GDP nhưng BHNN dù đã triển khai nhiều năm vẫn dậm chân tại chỗ.

Hãy hồi sinh cho bảo hiểm nông nghiệp

BHNN Việt Nam thời gian qua không hiệu quả, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đề ra

Nông nghiệp Việt Nam trở thành “hiện tượng lạ” trên thế giới khi có tới 80% là nông dân, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 30% GDP nhưng bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) dù đã triển khai nhiều năm vẫn dậm chân tại chỗ. Nhận xét này của đại diện Công ty Bảo Minh tại một hội thảo mới đây khiến cho không ít đại biểu tham dự phải giật mình suy ngẫm kỹ hơn về sự sống còn của BHNN nước nhà.

Nhiều tiềm năng nhưng vẫn ít sức sống

Diện tích đất nông nghiệp ở Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn - trên 74% tổng diện tích đất của cả nước. Trên 70% dân số tập trung ở khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân khoảng 0,5 triệu đồng/tháng/nhân khẩu. Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm trên 15% GDP. Những con số này cho thấy Việt Nam rất dồi dào tiềm năng phát triển về nông nghiệp.

Thế nhưng đáng buồn là các loại hình BHNN nói chung vẫn không được phát triển. Suốt cả quãng thời gian rất dài vừa qua, rất ít công ty bảo hiểm triển khai nghiệp vụ BHNN; những sản phẩm về bảo hiểm cây lúa và các loại vật nuôi như bò, gà công nghiệp… do kinh doanh thua lỗ nên đã tạm ngưng.

Một trong những minh chứng rõ nhất cho sự kém sức sống của BHNN là dự án bảo hiểm thí điểm cây lúa tại 16 tỉnh (Hà Tĩnh là trọng điểm) trong thời gian 5 năm (khởi động từ năm 1993) của Công ty Bảo Việt. Dự án này bảo hiểm sản lượng bình quân theo hạng đất với mức phí bảo hiểm là 5% sản lượng. Kết quả, diện tích bảo hiểm 208.900ha, số hộ được bảo hiểm 315.200 hộ, phí bảo hiểm thu được 13,05 tỷ nhưng chi phí bồi thường lên tới 14,40 tỷ. Nghĩa là bồi thường lớn hơn phí phu, chưa kể các chi phí quản lý, tuyên truyền quảng cáo, triển khai nghiệp vụ mới… Vì thua lỗ, không tìm được mô hình thích hợp nên quy mô ngày càng thu hẹp.

Tương tự như Bảo Việt, trước đây, Công ty Bảo Minh cũng đã từng triển khai BHNN nhưng sau đó tạm ngưng. Hàng loạt lý do được nêu ra, chẳng hạn: chưa được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính; các tổ chức, nông dân chưa quan tâm đến BHNN nên chưa đủ số lượng khách hàng cần thiết; sản phẩm bảo hiểm theo truyền thống có rủi ro rất cao, không khách quan và khó kiểm soát... Hiện tại, Bảo Minh chỉ xem xét đáp ứng nhu cầu đơn lẻ của từng khách hàng qua việc kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ và có thu xếp tái bảo hiểm.

Rất nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính khẳng định BHNN theo mô hình truyền thống không bền vững bởi các tổ chức nông dân chưa quan tâm đến BHNN, dẫn đến chưa đủ số lượng khách hàng cần thiết; các nhà tái bảo hiểm từ chối nhận các rủi ro về nông nghiệp vì thiếu thông tin thực tế đầy đủ tại Việt Nam (thống kê, điều tra rủi ro tổng quát toàn thị trường, tiềm năng thực tế so với mức độ rủi ro, tổn thất ở Việt Nam)…

Điểm lại 4 doanh nghiệp tham gia BHNN ở Việt Nam (Bảo Việt tham gia từ năm 1982; Groupama - từ năm 2001; Bảo Minh, ABIC - đang nghiên cứu đề án khả thi), thì kết quả hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp toàn thị trường những năm qua không mấy khởi sắc. Cụ thể: Năm 2004: doanh thu 3.267 triệu đồng, bồi thường 3.635 triệu đồng, tỷ lệ bồi thường 111%. Các con số tương ứng của năm 2005: 454 - 1.211 - 267%; năm 2006: 737 - 535 - 78,3%; năm 2007: 833 - 647 - 77,67%; năm 2008: 1.676,78 - 348,48 - 20,78%.

Có thể khẳng định việc triển khai BHNN Việt Nam thời gian qua không hiệu quả, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đề ra cũng như chưa thực sự hỗ trợ nông dân khi xảy ra tổn thất (chỉ có một số lượng rất nhỏ cây trồng, vật nuôi được bảo hiểm).

Bàn về câu chuyện BHNN, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết thêm: những đối tượng như tài sản của nông dân (nhà cửa, đất…), tài sản của các cơ sở sản xuất, chế biến, thu mua nông sản, tính mạng, sức khoẻ của người nông dân đều đã được bảo hiểm bởi các sản phẩm bảo hiểm của các doanh nghiệp; chỉ duy nhất bảo hiểm sản xuất nông nghiệp chưa hấp dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm.

Đi tìm những nguyên nhân khiến cho BHNN ở Việt Nam không đủ sức sống cần thiết thì thấy khó khăn tới từ 3 hướng chính:

Thứ nhất, từ phía doanh nghiệp bảo hiểm: sản phẩm bảo hiểm chưa phù hợp, khó khai thác, giám định, giải quyết bồi thường, tổn thất cao, lợi nhuận thấp nên khó thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm; các doanh nghiệp bảo hiểm hạn chế về năng lực tài chính; thị trường tái bảo hiểm chưa phát triển.

Thứ hai, từ phía người nông dân: chưa có thói quen tham gia bảo hiểm; thu nhập thấp; sản xuất manh mún, thiếu khoa học kỹ thuật; lựa chọn rủi ro đối nghịch; trục lợi bảo hiểm diễn ra nhiều, khó kiểm soát.

Thứ ba, từ phía Nhà nước: chưa có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ chi phí cho nông dân, doanh nghiệp bảo hiểm; chưa tham gia tích cực; thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu; sự hợp tác, phối hợp chưa chặt chẽ.

BHNN theo chỉ số - Hướng đi khả thi

Một trong những giải pháp được coi là khả thi nhất hiện nay trong việc tăng cường sức sống cho BHNN ở Việt Nam là hướng phát triển BHNN theo chỉ số (đang được triển khai ở nhiều nước đang phát triển).

Dự án phát triển BHNN theo chỉ số được sự quan tâm phối hợp thực hiện giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Thuật ngữ “chỉ số” ở đây được hiểu là một đại lượng nào đó gắn chặt với sự thiệt hại nhưng không bị người được bảo hiểm gây ảnh hưởng lên nó, ví dụ như chỉ số về lượng mưa, nhiệt độ, sản lượng của vùng, mực nước… Hợp đồng bảo hiểm theo chỉ số chỉ bồi thường thiệt hại dựa trên giá trị của một chỉ số nào đó chứ không phải dựa trên những thiệt hại được xác định trên đồng ruộng.

Bảo hiểm theo chỉ số có nhiều ưu điểm như quan sát được và có thể dễ dàng đo lường, có tính khách quan, rõ ràng, không gây nhầm lẫn; có thể thẩm định một cách độc lập; có khả năng ghi nhận và dự báo theo thời gian; chi phí quản lý thấp, sử dụng số liệu thống kê của Nhà nước nên thường xác thực… Nói cách khác, hợp đồng bảo hiểm theo chỉ số khắc phục được hầu hết các vấn đề mà hình thức bảo hiểm truyền thống đang mắc phải.

Tuy vậy, vẫn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn đối với loại hình bảo hiểm này, ví dụ: mức độ rủi ro cao đối với nhà bảo hiểm; việc định phí bảo hiểm có khả năng không đúng và không đủ do thay đổi xác suất các yếu tố xác định phí bảo hiểm; cơ chế trả tiền bồi thường khác với bảo hiểm truyền thống nên cần có sự đồng thuận của Bộ Tài chính.

Để có thể phát triển BHNN theo chỉ số, Công ty Bảo Minh đã đề xuất một số kiến nghị, trong đó, về tài trợ thiệt hại thiên tai, đề nghị thành lập các quỹ chung (pool) thông qua các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm trong nước và phân lớp rủi ro để bù đắp thiệt hại. Ví dụ, vùng “A” thiệt hại nhỏ hơn 70% phí bảo hiểm thì có thể lấy phí bảo hiểm bồi thường; vùng “B” thiệt hại khoảng giữa 70% - 100% thì phí bảo hiểm có thể bồi thường bằng nguồn dự phòng; vùng “C” thiệt hại vượt quá 100% phí bảo hiểm thì buộc phải tài trợ bằng các nguồn vốn bên ngoài (tái bảo hiểm).

BHNN làm nhiệm vụ nhận tái bảo hiểm cho những tổn thất vượt mức 50% để các doanh nghiệp bảo hiểm yên tâm ổn định tài chính.

Cần hỗ trợ để hồi sinh

Thị trường bảo hiểm Việt Nam có 27 doanh nghiệp bảo hiểm, 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Tổng vốn điều lệ 10,021 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu 14,182 tỷ đồng. Có 371 chi nhánh, công ty thành viên; khoảng 11.500 cán bộ làm bảo hiểm; trên 38.000 đại lý bảo hiểm. Tổng doanh thu phí bảo hiểm khoảng 10.845 tỷ đồng, tuy nhiên, phí BHNN chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chỉ 0,0154%).

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để mở rộng phạm vi và tăng cường hiệu quả cho BHNN, cần có những giải pháp sau:

Một là, cần có một công ty nhận tái BHNN làm nhiệm vụ nhận tái bảo hiểm cho những tổn thất vượt mức 50% để các doanh nghiệp bảo hiểm yên tâm ổn định tài chính. Cơ chế hoạt động của công ty nhận tái bảo hiểm theo nguyên tắc phí nhận tái bảo hiểm để bồi thường, nếu bồi thường vượt quá phí nhận tái sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Hai là, cần có chính sách hỗ trợ một phần chi phí quản lý cho doanh nghiệp bảo hiểm khi tiến hành triển khai BHNN vì phải phát sinh thêm nhân viên hoặc đại lý bảo hiểm bám sát từng thôn để xử lý các rủi ro (bão, lụt, hạn hán, giá rét, sâu bệnh, dịch bệnh…), giám định tổn thất thiệt hại, giải quyết bồi thường.

Ba là, cần có chính sách hỗ trợ người nông dân nghèo hoặc cận nghèo đóng phí bảo hiểm tương tự như hỗ trợ họ trong bảo hiểm y tế.

Mặt khác, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đưa ra mức khấu trừ 5 - 10% và tỷ lệ bồi thường 70 - 80% một cách hợp lý tuỳ theo từng loại cây trồng, vật nuôi để người nông dân cùng gánh tránh nhiệm, không ỷ lại vào bảo hiểm khi có thêm thiên tai, tai nạn, chủ động đề phòng hạn chế tổn thất (tát nước khi bắt đầu có hạn, phun thuốc khi bắt đầu có sâu bệnh) và thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm khi những rủi ro xảy ra, ngăn chặn không để thiệt hại phát sinh thêm.

Cũng rất tâm huyết với việc phát triển BHNN tại Việt Nam, đại diện Công ty Bảo Minh kiến nghị: cần xây dựng cơ chế chính sách riêng cho BHNN; nghiên cứu các mức độ rủi ro cho từng đối tượng, từng vùng để có chính sách phát triển bảo hiểm phù hợp (phối hợp với các ngành chức năng xây dựng bản đồ rủi ro cho từng đối tượng, từng loại rủi ro); đồng thời đa dạng hoá các hình thức bảo hiểm như bảo hiểm chỉ số, bảo hiểm thương mại.

Đặc biệt, cần nhanh chóng thành lập công ty BHNN quốc gia để thực hiện các chính sách ưu tiên của Nhà nước để không bị yếu tố lợi nhuận chi phối, không bị ảnh hưởng nếu thí điểm không thành.

Kinh nghiệm BHNN tại một số nước:

+ Mỹ: Có chương trình bảo hiểm cây trồng liên bang (doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân làm dưới sự bảo trợ của Nhà nước), áp dụng cho hơn 100 loại cây trồng, bảo hiểm mọi rủi ro; doanh thu 4 tỷ USD/năm.

Điểm đáng lưu ý là sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của chính quyền liên bang: Cung cấp miễn phí Hợp đồng bảo hiểm năng suất thiên tai cơ bản. Mức bảo hiểm bằng 60% theo giá trị thị trường dự tính của phần tổn thất vượt quá 50% năng suất bình quân của 4 năm trước.

Hỗ trợ 38% phí bảo hiểm cho những người mua bảo hiểm cho phần trách nhiệm cao hơn phần cơ bản được miễn phí (tổng hỗ trợ tương đương 59% phí bảo hiểm). Chính phủ tái bảo hiểm, hỗ trợ bảo hiểm (tiêu tốn tương đương 14% tổng phí bảo hiểm). Hỗ trợ chi phí quản lý cho các doanh nghiệp (tiêu tốn tương đương 22% tổng phí bảo hiểm). Bình quân chính phủ chịu 70%, nông dân chịu 30%.

+ Tây Ban Nha: Có chương trình bảo hiểm quốc gia, thực hiện bởi Agroseguro - tập hợp các công ty bảo hiểm tư nhân hoạt động trong lĩnh vực BHNN theo cơ chế chia sẻ rủi ro của bảo hiểm tương hỗ, dưới sự bảo trợ của Nhà nước. Bảo hiểm mọi hiểm hoạ cho cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Nhà nước chịu 41%, nông dân chịu 59%.

Khuyến khích bảo hiểm bằng cách: không cứu trợ nông dân khi tổn thất xảy ra do các rủi ro thuộc các loại rủi ro đã có trong chương trình bảo hiểm. Đối với tổn thất do các loại rủi ro không có trong chương trình bảo hiểm gây ra, có thể nông dân sẽ được xem xét hỗ trợ, tuy nhiên, chỉ hỗ trợ khi nông dân đã mua bảo hiểm cho các rủi ro đã có trong chương trình bảo hiểm.

+ Ấn Độ: Bảo hiểm theo chỉ số nước mưa. Nông dân được đền bù nếu lượng nước mưa trong mùa mưa nhỏ hơn 95%. Mực nước mưa tham khảo là bình quân gia quyền lượng nước mưa của các giai đoạn 10 ngày trong mùa vụ của cây trồng. Hiện đã có nhiều công ty triển khai. Số hộ nông dân tham gia tăng nhanh từ 230 hộ năm 2003 lên 20.000 hộ năm 2004 và lên 250.000 hộ năm 2005. Ngân hàng thế giới đánh giá đây là mô hình thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hãy hồi sinh cho bảo hiểm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO