Hạt gạo Đồng Tháp

KIM HOA| 24/05/2010 09:59

Hạt gạo Đồng Tháp không chỉ đã có mặt ở nhiều siêu thị, bếp ăn của nhiều quốc gia như Irắc, Iran, Nhật Bản, một số nước châu Âu... mà còn trở thành một thương hiệu hàng đầu của Việt Nam.

Hạt gạo Đồng Tháp

1.
Năm 1995, sản lượng lúa của tỉnh Đồng Tháp đã đạt 1,8 triệu tấn và đưa tỉnh này lên vị trí đứng đầu cả nước về bình quân lương thực đầu người (1.200kg). Bởi vậy, từ nhiều năm nay, thị xã Sa Đéc nói riêng và Đồng Tháp nói chung đã trở thành xứ sở của những cơ sở chế biến lúa gạo của các doanh nghiệp (DN) tư nhân trên địa bàn, của nhiều người ở xa lắc tận Cao Bằng, Thanh Hóa, và có cả sự góp mặt của doanh nhân Việt kiều Mỹ...

Dù vậy, vựa lúa phía Nam vẫn đang ở tình trạng thiếu kho chứa nghiêm trọng. Điều đáng nói là Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã từng lên tiếng về việc sẽ đôn đốc các DN thu mua tạm trữ lúa nếu giá thấp hơn giá sàn, nhưng thực tế năng lực tạm trữ của hệ thống kho hầu như chưa đảm đương được (chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn lúa/năm, trong khi tổng sản lượng lúa cả năm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 20 triệu tấn).

Trước mắt, thay vì đầu tư kho chứa, đã có ý kiến cho rằng các DN xuất khẩu gạo nên ký hợp đồng thu mua với giá bảo hiểm lúc giá lúa xuống thấp với điều kiện nhà nông tạm trữ tại nhà. Cách đó vừa giúp DN giải quyết được việc thiếu kho bãi đồng thời chủ động được lượng hàng hóa chờ khi giá lên vừa giúp người làm lúa giảm được tình trạng bán lúa ồ ạt với giá thấp ngay sau khi thu hoạch để trả nợ vật tư nông nghiệp, nợ ngân hàng.

Cuối tháng Tư vừa rồi, vùng sông nước này có một tin vui: Sau tổng kho Cái Sắn ở An Giang với sức chứa 50 nghìn tấn là tổng kho Tân Dương của Sa Đéc với sức chứa 60 nghìn tấn lúa gạo đã được cắt băng khánh thành và trở thành hai tổng kho lương thực lớn nhất cả nước. Ghe thuyền chở gạo thương phẩm từ các huyện trong tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh lân cận tấp nập ghé vào nhập hàng.

“Tác giả” của hai công trình này là Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1). Vinafood 1 trong nhiều năm tiếp cận, mở rộng hoạt động tại ĐBSCL, đã có một hệ thống dự trữ và chế biến gồm 16 kho chứa được 420 ngàn tấn lúa gạo. Thời gian tới, Tổng công ty còn tiếp tục đầu tư, nâng cấp và xây thêm một số kho để chứa được 500 ngàn tấn lúa gạo tại vùng lúa trọng điểm này.

Có kho, tức là chủ động thu mua gạo nguyên liệu cho nông dân với giá có lợi cho bà con, bớt được nỗi lo “biến màu, bó cám” của gạo thành phẩm chờ xuất, coi như bài toán “được mùa, ế lúa” của người nông dân ở trung tâm vựa lúa phía Nam đã phần nào được cải thiện. Mỗi ngày, Tổng kho Cái Sắn và Tổng kho Tân Dương có thể thu mua hàng ngàn tấn gạo nguyên liệu cho bà con.

2.
Có người nói, mấy chục năm qua, chưa vụ mùa nào lúa lại trúng như vụ Đông Xuân vừa qua. Tết âm lịch, bà con đã có lúa sớm để bán ở thời điểm giá lúa cao nhất trong năm và có tiền rủng rỉnh tiêu Tết. Các thương lái vùng sông nước này cũng chịu khó, vừa ăn Tết vừa dong ghe đi gom lúa khắp đồng; những xe, ghe thuyền chất đầy lúa gạo hối hả đến nơi giao hàng. Hạt gạo Đồng Tháp không chỉ đã có mặt ở nhiều siêu thị, bếp ăn của nhiều quốc gia như Irắc, Iran, Nhật Bản, một số nước châu Âu... mà còn trở thành một thương hiệu hàng đầu của Việt Nam.

Các DN thu mua, chế biến lúa gạo nhà nước lẫn tư nhân ở Đồng Tháp hiện vẫn chờ một sàn giao dịch chuyên về lúa gạo đặt tại chợ gạo Thanh Bình… Nhà nông đến sàn sẽ được tiếp cận dịch vụ tư vấn kỹ thuật, cung ứng giống, cung ứng vốn... Sàn còn có trường học, nhà trẻ, dịch vụ y tế để bảo đảm người bán người mua khi tham gia giao dịch được thuận tiện đồng thời hấp dẫn được một lượng lớn nhân công đến làm việc.

Mới đây, Công ty Lương thực Đồng Tháp và Công ty Docimexco, với chỉ tiêu mua tạm trữ 60.000 tấn gạo theo phân bổ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chỉ trong 10 ngày đầu đã nhập kho 25.000 tấn gạo nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Với giá 4.700 - 4.800 đồng/kg, lúa khô 5.000 - 5.500 đồng/kg cân tại ruộng, chi phí sản xuất tính ra khoảng 2.200 đồng/kg (thấp hơn các năm trước khoảng 400 - 500 đồng/kg) trong khi năng suất trung bình suýt soát 8 tấn/ha (cao hơn vụ Đông Xuân năm trước từ 700 - 1.000 kg/ha), gạo trắng Đồng Tháp vụ Đông Xuân năm nay quả đã làm hởi lòng hởi dạ bà con nông dân.

Thương lái Nguyễn Quang Sang, quê huyện Lai Vung, đi ghe gom lúa từ 15 tuổi, có 13 năm “thâm niên”, khoe: “Lúa 5% tấm tụi tui mua của bà con 4.300 đ/kg, đến kho Tân Dương nhập giá 5.500 đ/kg, trừ mọi chi phí, lãi 100đ/kg. Ghe của tui chở được 70 tấn, mỗi chuyến như vầy lời cũng kha khá, nên vui lắm. Từ Tết tới giờ, tôi chỉ bán cho kho Tân Dương vì ở đây có băng chuyền xuất nhập kho hiện đại, giải phóng hàng nhanh, thời gian “ăn hàng” chỉ hết một giờ/ ghe, trong khi nhiều kho khác phải chờ lâu hơn, có khi phải chờ qua đêm. Nhờ vậy, cứ ba ngày thì tụi tôi quay vòng được một chuyến”.

Đồng nghiệp của Sang, thương lái Võ Thành Hiệp quê ở Long Hưng B, huyện Lấp Vò, đã có 10 năm chạy ghe gom lúa dọc các vùng An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, kể: “Xưa, cha tui đi ghe nhỏ, tui theo cha đi mua lúa rồi nay thành nghề. Tụi tui rất thích những kho lớn như Tân Dương vì ở đây nhập hàng đều, hầu như chỉ mất điện mới phải chờ. Cân điện tử chính xác, tiền thanh toán cũng nhanh”.
Những chuyện “nhỏ mà không nhỏ” như nhập hàng nhanh, giá cao hơn ngoài chợ một vài giá, tiền thanh toán nhanh gọn, là điều các thương lái rất coi trọng, và cũng là những “tiêu chuẩn” để họ cảm thấy nghề nghiệp của mình được cải thiện, chuyện mua bán dễ chịu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạt gạo Đồng Tháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO