Hàng nội địa thắng thế

DNSG| 24/09/2009 08:41

Năm 2007, chỉ có hai trong số 10 nhãn hiệu phát triển nhanh nhất là của VN, đến năm 2008 có 4 nhãn hiệu và năm nay là 8...

Hàng nội địa thắng thế

Hàng nội địa thắng thế

Tại diễn đàn Xuất khẩu và Phát triển thị trường Việt Nam (do Báo Vietnam Economic News và Công ty Việt Long Promotion tổ chức tại TP.HCM ngày 17/9), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, trong tháng 8/2009, cả nước xuất khẩu 4,7 tỷ USD, nhập khẩu đến 6,2 tỷ USD. Nguyên nhân chính của nhập siêu vẫn tăng trong tháng 8 là do sụt giảm mạnh về xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, than đá, dầu thô, dệt may, giày dép, chè.

Tuy nhiên, cũng có mặt hàng tăng xuất khẩu như cà phê, cao su, dây và cáp điện... Trong khi đó, nhiều DN VN quan tâm thị trường nội địa đã có biểu hiện kinh doanh tốt lên. Theo ông Ralf Mathews, Giám đốc điều hành Công ty TNS, qua nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng ở VN, chi tiêu các mặt hàng tiêu dùng trong nửa đầu năm 2009 giảm 60% so với năm 2008, trong đó người tiêu dùng thu nhập cao giảm chi tiêu nhiều hơn tới 66%. Tuy nhiên, nếu như năm 2007, chỉ có hai trong số 10 nhãn hiệu phát triển nhanh nhất là của VN, đến năm 2008 có 4 nhãn hiệu và năm nay là 8. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng VN đã quan tâm nhiều hơn đến hàng nội địa.

C.N

Bãi bỏ giấy phép xuất khẩu phân bón

Dự kiến vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới, đề nghị bãi bỏ giấy phép xuất khẩu phân bón của Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ được Bộ Công Thương thông qua. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản đồng ý với đề xuất trên. Đại diện Vụ Xuất nhập khẩu (đơn vị trực tiếp xem xét việc cấp giấy phép xuất khẩu phân bón của Bộ Công Thương) cũng cho biết đã có đề nghị lãnh đạo Bộ trình Chính phủ bãi bỏ quy định về giấy phép xuất khẩu phân bón. Sự tồn tại giấy phép xuất khẩu phân bón không không những không phù hợp mà còn gây khó khăn cho DN ứng phó với biến động giá cả và nhu cầu sử dụng thực tế của nông dân.

MỘC MIÊN

Đề nghị tăng thuế nhập khẩu ô tô lên 91%

Nhằm kiểm soát nhập siêu, Bộ Công Thương đề xuất tăng thuế nhập khẩu ôtô chở người dưới 15 chỗ từ 81% lên 91%. Lý do đưa ra là nhập siêu đang có xu hướng tăng mạnh trở lại, xuất khẩu hầu như không tăng, dẫn đến nhập siêu tháng 7 và 8 khoảng 3 tỷ USD, bằng 144% tổng nhập siêu 6 tháng đầu năm. Dự báo trong quý IV, nhập siêu tiếp tục có thể tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng được dự báo là sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là các mặt hàng như ô tô, điện tử, điện thoại di động, thực phẩm, đồ uống... Tuy nhiên, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho rằng chưa nên tăng thuế đối với ôtô chở người lúc này. Trong bối cảnh sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, tăng thuế sẽ khiến thị trường trong nước sốt xe, giá tăng bất hợp lý và người tiêu dùng chịu thiệt hại.

CPI TP.HCM: tăng cao nhất từ đầu năm

Theo Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của TP.HCM tăng 1,59% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Mức tăng cao nhất là giáo dục (13,34%), tiếp theo là các nhóm giao thông; bưu chính viễn thông; nhà ở, điện nước; chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; giải trí, du lịch; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,30%. Theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ tăng giá 9 tháng qua có dấu hiệu chậm lại, song giá lương thực, thực phẩm vẫn tăng khá cao.

B.T

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng nội địa thắng thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO