Hàng hoá tiêu dùng đồng loạt tăng giá

Nguồn SGTT| 27/11/2009 01:15

DN đang phải từng giờ định giá hàng hoá theo diễn biến giá USD. Cộng hưởng với giá nguyên liệu đầu vào, xăng dầu tăng, việc tỷ giá tăng có thể như giọt nước tràn ly, đẩy mặt bằng giá lên mức cao mới.

Hàng hoá tiêu dùng đồng loạt tăng giá

Doanh nghiệp đang phải từng giờ định giá hàng hoá theo diễn biến giá USD. Cộng hưởng với giá nguyên liệu đầu vào, xăng dầu tăng, việc tỷ giá tăng có thể như giọt nước tràn ly, đẩy mặt bằng giá lên mức cao mới.

Giá USD thị trường tự do vẫn cao hơn giá niêm yết của ngân hàng 700 – 800đ/USD, và nhiều doanh nghiệp vẫn căn cứ trên giá thị trường tự do để xây dựng giá thành hàng hoá. Ảnh: Lê Quang Nhật

Các nhà kinh doanh đồ hộp, gia vị, bánh hộp thiếc nhập khẩu đã gửi thư chào hàng đến nhiều shop thực phẩm. Theo đó các loại bánh nhập từ châu Âu sẽ có giá tăng khoảng 10% so với tết năm ngoái, còn các loại gia vị và bánh nhập từ châu Á tăng khoảng 8%. Chủ shop An trên đường Cách Mạng Tháng Tám nói: “Nhà cung cấp lý giải giá euro, giá USD đều tăng, nguyên liệu sản xuất thế giới tăng… nên buộc phải tăng giá”.

Ít nhất thêm 500 mặt hàng tăng giá

Giá nhiều mặt hàng như máy tính và linh kiện, máy ảnh số, phụ kiện tại các siêu thị máy tính đã tăng giá với tỷ lệ tương đương với mức tăng của đồng đôla, dao động ở mức 5 – 8% so với trước khi có hiện tượng tỷ giá tăng đột biến. Ông Lê Hoàng Sơn (công ty Viễn Sơn) nói: “Sở dĩ giá nhiều mặt hàng tăng là do tỷ giá mà ra. Vấn đề là tăng bao nhiêu, mỗi nhà nhập khẩu sẽ có chiến lược riêng”.

Bà Phương, chủ sạp mỹ phẩm chợ An Đông chuyên nhập hàng bỏ mối cho các shop cho biết: “Hàng bỏ cho các shop bán Noel và tết tạm thời tăng khoảng 10% với những mặt hàng quen thuộc, còn những dòng sản phẩm mới tuỳ theo giá nhập sẽ báo sau”. Cũng theo bà Phương, ngay bây giờ đã phải tính tỷ giá 20.000 – 21.000đ/USD để đề phòng qua đầu năm 2010 tỷ giá biến động nữa. Giá mỹ phẩm hàng hiệu xách tay ở các shop, trong chợ Bến Thành, An Đông cũng đã tăng khoảng 5%...

Dự kiến trong tháng 12 sẽ có khoảng 500 mặt hàng tiêu dùng áp dụng mức giá mới. Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark cho biết: “Trước mắt đã có hơn 50 nhà cung cấp gửi thư thông báo tăng giá. Trong đó, mức tăng khoảng 5 – 8% là nhóm hàng thực phẩm với các loại bánh mứt kẹo, nước giải khát, đồ hộp, thực phẩm chế biến… của cả nhà sản xuất trong nước lẫn hàng nhập. Khoảng 20 mặt hàng gia dụng nhựa, nhôm, inox nhích giá thêm 2 – 3%”.

Các mặt hàng tết cũng đã bắt đầu được tung ra thị trường và đang trên đà tăng giá. So với tháng trước, các loại quả và hạt sấy khô tăng giá khoảng 5.000 – 10.000đ/kg, các loại khô mực, khô cá, khô bò tăng 25.000 – 30.000đ/kg... Tiểu thương ở chợ Bến Thành cho biết: các cơ sở chế biến mứt đang chào bảng giá mới, cao hơn năm ngoái khoảng 10.000 – 20.000đ/kg do giá đường, chi phí vận chuyển tăng…

Thách thức của hàng Việt: “vỏ” nội, “ruột” ngoại

Ông Nguyễn Đăng Hiến, tổng giám đốc công ty Bidrico tính toán: giá nguyên liệu đầu vào các loại đã tăng đến 28%, chưa kể mới đây Bidrico đã bù thêm 700đ/USD khi mua USD nhập nguyên liệu nhập. Giá đầu vào tăng như thế, tác động đến giá thành sản phẩm...” Lãnh đạo một doanh nghiệp khác cho biết, tỷ giá liên tục tăng, đặt công ty vào tình huống phải tính toán dự phòng nguyên liệu cho năm 2010.

Ông Phạm Ngọc Châu, phó tổng giám đốc công ty thực phẩm Hancofood cho rằng, tỷ giá tăng, kinh doanh hàng sản xuất trong nước không lợi hơn hàng nhập khẩu là mấy. Theo ông Châu, mua USD từ thị trường tự do để nhập nguyên liệu, khi tỷ giá tăng 1.000đ/USD, thì giá một tấn bột sữa đã tăng thêm hơn 3 triệu đồng, chưa kể giá các nguyên liệu khác, bao bì nhập cũng tăng thêm từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng/tấn. Giá nguyên liệu sữa nhập sẽ tăng thêm 26% kể từ ngày 1/12/2009 tới đây, làm cho giá thành sản xuất sữa tăng khoảng 10 – 12%.

Khảo sát tại các siêu thị điện máy, phần lớn hàng điện máy Việt Nam là những mặt hàng có giá trị thấp như: nồi cơm điện, quạt máy, bếp gas… Gọi là hàng nội nhưng phần lớn phải đặt hàng cho nước ngoài gia công phần lõi, trong nước chi gia công một vài chi tiết.

Ông Trần Văn Sâm, giám đốc công ty Đông Á, chuyên sản xuất tivi Sam cho biết: “Nhiều người tưởng chừng các nhà nhập khẩu nguyên chiếc sẽ khó khăn do tỷ giá và tình trạng khan đô, và đó sẽ là cơ hội cho hàng Việt nhưng thực tế thân phận của hai nhóm này chẳng khác gì nhau. Linh kiện chính của những sản phẩm điện tử, từ con sò cho đến đèn hình đều phải nhập nước ngoài. Mà đã nhập khẩu, nghĩa là đứng trước những khó khăn về tỷ giá”.

Ông Lê Văn Chính, cố vấn Soncamedia xác nhận, với tình hình như hiện nay các nhà sản xuất hàng điện máy trong nước chẳng có lợi gì vì nguyên liệu sản xuất hầu hết được nhập từ nước ngoài. “Không những không có lợi mà còn tác hại tới nhịp sản xuất của các nhà sản xuất Việt Nam. Người ta sản xuất lượng hàng lớn nên giá thành thấp. Còn doanh nghiệp trong nước, hầu như cái gì cũng nhập (có những sản phẩm tỷ lệ nhập đến 99%), lại sản xuất số lượng ít… nên giá không thể tốt bằng giá hàng nhập”, ông Chính phân tích thêm.

Xuất khẩu được lợi

Ông Phạm Văn Bảy, giám đốc công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang, cho biết, việc ngân hàng vừa điều chỉnh biên độ tỷ giá đã giúp cho hiệu quả xuất khẩu cao hơn. Theo tính toán của ông Bảy, với mức tỷ giá mới áp dụng từ ngày 26/11, cứ một đôla thu được từ hoạt động xuất khẩu gạo, doanh nghiệp hưởng thêm trên 600đ. Theo VFA, hai tháng cuối năm 2009, dự kiến doanh nghiệp xuất thêm khoảng 600.000 tấn gạo. Việc thay đổi tỷ giá tăng thêm 600đ/đôla đã đem thêm 144 tỉ đồng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Ông Nguyễn Đức Thanh, giám đốc công ty Chế biến xuất nhập khẩu điều Long An (Lafoco) cho rằng thay đổi tỷ giá cũng đang đưa đến lợi nhuận hấp dẫn cho doanh nghiệp ngành điều. Cứ bán một ký doanh nghiệp có lời thêm trên 3.000đ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng hoá tiêu dùng đồng loạt tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO