Hai kịch bản vực dậy nền kinh tế

Nguyễn Hoàng| 27/05/2020 03:38

Ngăn chặn sớm dịch Covid-19 lây lan nhưng Việt Nam vẫn phải rất thận trọng trong việc lựa chọn và triển khai kế hoạch khởi động lại nền kinh tế.

Hai kịch bản vực dậy nền kinh tế

Thiệt hại kinh tế ngày càng lớn khiến Việt Nam gấp rút có biện pháp giải quyết. Trong Báo cáo Tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/5/2020, Chính phủ đã dự kiến hai kịch bản tăng trưởng trong năm 2020.

Kịch bản 1, thời gian Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam không chế đại dịch trong quý III/2020, thì dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019, thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra. Kịch bản 2, thời gian Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam khống chế đại dịch trong quý IV/2020, thì dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019, thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra.

Chính phủ dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%) và trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4% nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây khoảng 7%). Tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao và bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP, tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP, tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra.

Các nhà kinh tế nhận định rằng, các biện pháp mạnh tay gần đây của Chính phủ có thể giúp thu hẹp đà giảm sút kinh tế. Hành động quyết đoán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cùng các biện pháp đảm bảo người lao động không gặp rủi ro tài chính nếu bị sa thải có thể hạn chế đáng kể tác động từ Covid-19. Việc này cũng sẽ giúp nền kinh tế tăng nhanh khi hết dịch. Dù vậy, các biện pháp này cần thực hiện nhanh hơn do tăng trưởng của nhiều ngành kinh tế đang chậm lại. Năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II/2020, ngành dệt may vẫn sẽ tăng trưởng âm khoảng 5% so với năm 2019. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản vẫn thiếu đơn hàng, nhất là trong quý II và quý III.

Link bài viết

Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.

Dự kiến hai kịch bản tăng trưởng năm 2020, Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các phương án cụ thể để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường. Theo PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), sự phục hồi kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn cho đến khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh. GDP quý I chưa phản ánh đầy đủ mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến khu vực phi chính thức - khu vực ước tính tương đương khoảng 30% GDP. Thậm chí việc phong tỏa và giãn cách xã hội đã khiến khu vực này gần như bị đóng cửa hoàn toàn.

Theo TS. Thế Anh, tăng thâm hụt ngân sách lên mức 5-5,1% GDP. Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, Việt Nam nên cắt giảm ngân sách chi thường xuyên tối thiểu 10% để dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do đại dịch gây ra. Việt Nam cũng nên từng bước xây dựng “đệm tài khóa” để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai kịch bản vực dậy nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO