Góp phần ổn định tâm lý thị trường

09/04/2011 09:57

Là đô thị có mật độ dân cư cao, nhu cầu tiêu dùng lớn nhất nước, nhưng chỉ số giá tiêu dùng của TP.HCM lại thấp hơn cả nước. Năm 2010, chỉ số này của TP.HCM là 9,58% trong khi của cả nước là 11,75%. Tương tự, số liệu tương ứng trong quý 1 năm nay của TP.HCM và cả nước lần lượt là 4,89% và 6,12%.

Góp phần ổn định tâm lý thị trường

Là đô thị có mật độ dân cư cao, nhu cầu tiêu dùng lớn nhất nước, nhưng chỉ số giá tiêu dùng của TP.HCM lại thấp hơn cả nước. Năm 2010, chỉ số này của TP.HCM là 9,58% trong khi của cả nước là 11,75%. Tương tự, số liệu tương ứng trong quý 1 năm nay của TP.HCM và cả nước lần lượt là 4,89% và 6,12%.

Đây cũng là một dấu chỉ để đánh giá hiệu quả chương trình bình ổn giá được TP.HCM thực hiện trong chín năm qua. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ nói: “Hiệu quả chương trình biểu hiện rõ qua chỉ số giá tiêu dùng của TP.HCM trong năm 2010 thấp hơn nhiều so cả nước và ba tháng đầu năm 2011 này cũng vậy”.

Trên nền lưới phân phối mạnh

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc nhóm hàng bình ổn giá tại TP.HCM đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Ảnh: Lê Quang Nhật

Thực hiện từ năm 2002, sau chín năm, doanh thu và lượng hàng bình ổn tăng trưởng trung bình khoảng 25% mỗi năm. Năm 2002, thành phố dành 45 tỉ đồng cho chương trình bình ổn thì năm 2011 con số này là 412 tỉ đồng. Với số tiền này, lượng hàng trong chín nhóm bình ổn giá tập trung vào nhóm hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, thịt, rau, trứng, đáp ứng khoảng 25% nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.

Nếu so với tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hoá dịch vụ trên địa bàn TP.HCM trong hai tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư cho chương trình bình ổn giá năm 2011 chỉ bằng 0,05%. Có thể thấy, tương quan như vậy khó lòng tạo ra một nguồn lực duy trì sự cân bằng giữa nguồn cung và cầu, nếu không có hệ thống phân phối phát triển.

Với hệ thống 124 siêu thị, 24 trung tâm thương mại và hàng ngàn các cửa hàng, đại lý, các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá đã tổ chức được 2.187 điểm bán hàng bình ổn, trong đó số điểm ở các chợ truyền thống là 801 điểm, trên 400 điểm bán ở các khu vực quận huyện xa, ngoại thành và một địa điểm tại khu công nghiệp. Đi cùng các điểm bán lẻ như vậy là hệ thống phân phối gồm 124 siêu thị, 24 trung tâm thương mại, khiến cho câu chuyện thiếu hàng hay găm hàng gây sốt giá trở nên khó khả thi. Sự phát triển của hệ thống phân phối góp phần hình thành và thúc đẩy thị trường phát triển trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, khiến cho chi phí phân phối phải được giảm thiểu.

Hiệu ứng lan toả

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng bộ Công thương đánh giá: “Chương trình bình ổn của TP.HCM mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả. Theo bà Thoa, hơn 40 trong 63 tỉnh thành cả nước đã học tập kinh nghiệm TP.HCM, xây dựng mối liên kết giữa nhà sản xuất và phân phối, đưa vốn đến tay người dân, phát triển hệ thống phân phối hiện đại.

Để tạo nguồn hàng, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá nói riêng, cũng như TP.HCM nói chung, buộc phải tạo ra các liên kết với các tỉnh, thành phố. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết muốn có được giá bình ổn, phải tổ chức nguồn cung cấp tốt qua cách liên kết và ứng vốn cho các hộ nông dân, nông trại, hợp tác xã… đồng thời phải mở rộng hệ thống phân phối. Tính đến nay, hàng bình ổn giá của TP.HCM được cung cấp từ nhiều địa phương như: Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… Chính điều này đã góp phần nâng cao quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa TP.HCM với các địa phương khác theo hướng thiết thực và hiệu quả. Đây cũng là một yêu cầu đặt ra cho TP.HCM, đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trên góc độ một doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó tổng giám đốc công ty May Sài Gòn 2 nói: “Nhờ tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá mà công ty đạt doanh số tăng 100% so với những năm trước”. Ông Toàn cũng như 22 doanh nghiệp tham gia cho rằng, ngoài lợi ích về tăng doanh số, quảng bá thương hiệu, lợi ích thiết thực khác mà doanh nghiệp thu được là phát triển mạng lưới phân phối ngày càng dày đặc từ trung tâm thành phố đến các quận huyện xa.

Qua diễn biến thị trường trong các đợt sốt giá gạo năm 2008, sốt giá đường trong năm 2010, có thể thấy chương trình bình ổn giá đã góp phần ổn định tâm lý thị trường. Nhận rõ tầm quan trọng của việc ổn định tâm lý thị trường, ông Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tổng kết chín năm thực hiện chương trình bình ổn giá, đã đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục hoàn thiện cơ chế bình ổn giá để đưa hàng đến người nghèo và lao động, tăng quỹ bình ổn giá để làm yên lòng dân, đặc biệt trong tình hình chao đảo về giá.

Xét về góc độ kinh tế, việc đưa hàng đến với người nghèo chưa hẳn đã giúp họ có cơ hội thụ hưởng lợi ích từ chương trình bình ổn giá. Có thể đó là một đề bài của một chương trình khác. Để yên lòng dân như ý kiến của ông Phúc, chương trình bình ổn giá mà TP.HCM thực hiện mới đáp ứng một phần, chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu và trong phạm vi một địa bàn cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Góp phần ổn định tâm lý thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO