Giới kiều bào kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI

Nguyễn Tâm| 29/10/2020 08:18

An ninh, an toàn vẫn là vấn đề lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu cơ hội đầu tư vào TP.HCM (TP). Đây là một trong những chia sẻ của đại biểu kiều bào trong buổi tiếp xúc với các lãnh đạo TP sáng ngày 29/10.

Giới kiều bào kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI

Đại biểu kiều bào trong buổi tiếp xúc với các lãnh đạo TP.HCM sáng ngày 29/10

Ông Steve Bùi - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc nêu dẫn chứng, khi tư vấn môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài vào TP, họ thấy rất ổn. Tuy nhiên, khi chuẩn bị bước ra khỏi khách sạn, thì từ lễ tân đến bảo vệ đều nhắc “Anh ơi cẩn thận giữ tài sản kẻo trộm cắp”. Như vậy, ông cho rằng, ứng dụng chuyển đổi số nên đi vào những vấn đề thực tế, nên có công nghệ nào để chúng ta giám sát được vấn đề an ninh, giúp nhà đầu tư có thể an tâm đầu tư vào TP.

Ông Steve Bùi cho biết, hiện có những tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới có mặt ở Việt Nam nhưng chưa thấy doanh nghiệp Việt nào có thể tiếp cận để họ chuyển giao công nghệ.

“Tôi cho rằng cần có chế tài; nhà đầu tư phải cam kết chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp địa phương có cơ hội tiếp cận, chứ chúng ta không chỉ cung cấp nhân công giá rẻ”, ông Steve Bùi nói.

Ông cũng dẫn kinh nghiệm từ Trung Quốc: "Trong vài thập niên qua, họ có đầy đủ công nghệ của các nước. Đó là do chính sách thu hút đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài; Mỹ hay Đức khi bước vào nếu không có chuyển giao công nghệ thì không được cấp giấy phép".

PM323-2460-1603970295.jpg

Tân Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên tại buổi gặp mặt kiều bào.

"Tôi cho rằng TP cần có chế tài trong việc nhà đầu tư công nghệ cao phải có chuyển giao công nghệ. Khi đó, doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến thế giới”, ông Steve Bùi nói thêm.

GS - TS. Đặng Lương Mô - kiều bào Nhật Bản, đồng tình với đề xuất của ông Steve Bùi khi dẫn chứng Ấn Độ dành hàng chục năm để nghiên cứu phần mềm nhưng thu nhập đầu người cũng chỉ khoảng 2.200 USD, thấp hơn Việt Nam (hiện khoảng 2.800 USD), trong khi mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam cũng chỉ bằng 24% của thế giới. Những năm gần đây, Ấn Độ chuyển dần sang phát triển phần cứng, tạo ra sản phẩm vật chất nhiều giá trị kinh tế hơn do họ chú trọng đến vấn đề công nghệ.

Phát biểu trước đại diện kiều bào, tân Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên cho rằng, trong bối cảnh TP cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế, thì nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là chuyển đổi số.

Ông Nên khẳng định, những đóng góp, hiến kế của chuyên gia, kiều bào và cộng đồng doanh nhân sẽ góp phần cùng TP triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số - một trong những chiến lược quan trọng với mục tiêu cụ thể là xây dựng TP trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất.

Song, Bí thư Thành ủy cũng nhìn nhận những khó khăn trong công cuộc chuyển đổi số của TP, như mức chi ngân sách cho công nghệ thông tin chỉ khoảng 0,4%. Trong khi đó, mức chi trung bình ở các quốc gia phát triển khoảng 1%, đặc biệt như Hàn Quốc chi 2%.

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận thức về chuyển đổi số còn khác nhau, còn nhiều doanh nghiệp e ngại, né tránh hoặc chưa dám tiếp cận do gặp khó khăn vì thiếu về vốn, con người...

Cuối cùng, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh rằng, TP cam kết thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giới kiều bào kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO