"Giấy thông hành" xét nghiệm Covid-19 làm khổ doanh nghiệp

Vân Ly - Giao Linh| 11/07/2021 04:54

Theo bà Lý Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM, chi phí xét nghiệm hiện đang là gánh nặng đối với doanh nghiệp (DN).

Hoạt động tại nhà sản xuất thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh tại Huyện Bình Chánh

Chi phí xét nghiệm quàng gánh nặng lên vai DN

Sinh sống tại tại TP.HCM , nhưng bà Lý Kim Chi có nhà máy sản xuất ở Bình Dương, Đồng Nai. Theo doanh nhân này, việc sinh sống ở TP.HCM và có nhà máy sản xuất ở các tỉnh lân cận là bình thường, đặc biệt là với các DN chế biến thực phẩm. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh TP.HCM áp dụng CT 16, điều này đồng nghĩa DN có công nhân từ TP.HCM qua Đồng Nai, Bình Dương làm việc hay ngược lại, việc đi về đòi hỏi phải có giấy xét nghiệm.

“Như vậy thì tốn kém khủng khiếp. Chi phí đó quàng lên vai DN, khiến DN càng gặp khó khăn. Trong khi đó, với yêu cầu DN tổ chức cho công nhân ăn, ở tại chỗ, thì hiện có rất ít DN có chỗ để bố trí cho công nhân ăn, ở tại chỗ. Nếu lây nhiễm thì việc ăn, ở tại chỗ còn nguy hiểm hơn nữa”, bà Chi khẳng định. 

Theo bà Chi, hiện nay, tất cả ngành hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại TP.HCM cam kết với TP không tăng giá. Kể cả đối với đơn vị không nằm trong Chương trình bình ổn của TP.HCM, nhưng vẫn cùng với Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM bắt tay nhau không tăng giá trong thời gian này, để chia sẻ khó khăn với chính quyền và người dân.

“Nhưng hiện giờ phí chồng phí. Chi phí chống dịch tại chỗ, chi phí xét nghiệm... Tất cả đè nặng lên vai DN. Bởi xét nghiệm này đâu chỉ áp cho mỗi tài xế, mà còn cho tất cả các công nhân sản xuất nếu muốn đảm bảo an toàn cho DN”, bà Chi cho hay. 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh cho rằng, hiện các DN sản xuất thực phẩm đồ uống đều phải tăng chi phí phòng dịch, từ vấn đề sát khuẩn môi trường, đến trang thiết bị cá nhân cho người lao động. Các cán bộ, nhân viên đi giao tiếp, ở khu vực đó, có người bị dương tính, bị phong toả, DN phải tổ chức xét nghiệm cho những người đi đến đó, và đồng thời nếu họ đã về công ty, DN cũng phải xét nghiệm cho toàn bộ người lao động. Tính đến nay, DN đã tiến hành xét nghiệm 4 đợt.

“Thực tế, xét nghiệm chỉ xác minh được vào thời điểm đó trở về trước, thì người ta không không bị nhiễm Covid-19, nhưng có thể khi vừa xét nghiệm xong thì họ đã bị nhiễm. Và chính điều này tạo ra gánh nặng cho DN, nhất là những DN nào có nhân viên đi ra ngoài tiếp xúc. Hiện công ty chúng tôi giao hàng đi các tỉnh, Long An chỉ đòi test nhanh, qua Tiền Giang thì đòi phải có test PCR. Chi phí test PCR công ty đang phải chi trả lên tới khoảng hơn 1,5 triệu đồng/lần/người”, ông Hiến nhấn mạnh. 

Xét nghiệm có nên là "giấy thông hành"?

Theo BS. Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.HCM, xét nghiệm Covid-19 từ test nhanh cho tới PCR khẳng định chỉ có giá trị 72 giờ, nghĩa là xác định từ thời điểm xét nghiệm trở về trước thì chưa bị lây nhiễm Covid-19.

Lay-mau-xet-nghiem-4012-1625979794.png

Lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Giao Linh  

Đồng quan điểm này, BS. CK II Ngô Thị Ngọc Vân - Giám đốc Điều hành Phòng Khám Đa Khoa Đại Phước cho rằng, hiện tại có nhiều quan điểm và giá trị của chứng nhận xét nghiệm Covid-19. Có người nói là 36 tiếng, có người nói 72 tiếng, có người nói 3 ngày, 7 ngày là sai hoàn toàn. Bởi khi người dùng cầm giấy này bước ra khỏi cơ sở y tế, họ hoàn toàn có khả năng bị nhiễm, nên không có giá trị như giấy thông hành.

Khi đi về các tỉnh, cụ thể như Tiền Giang, một số chốt, trạm yêu cầu phải có xét nghiệm PCR. Nhưng theo BS. Vân, thực ra, PCR hay là test nhanh này, đều có giá trị khi người đó đang ở trong cơ sở y tế, không phải chứng thực cho người đó đang khoẻ mạnh khi tiếp xúc bên ngoài. Bởi khi đã đi ra môi trường bên ngoài, thì điều đó không có ý nghĩa nữa. 

Tuy nhiên, do những quy định về chứng nhận xét nghiệm nên hiện nay “người người nháo nhào đi làm test nhanh, PCR lấy giấy chứng nhận để được di chuyển”.

Theo BS. Vân đây là sự lãng phí rất là lớn. Bởi chi phí test nhanh hiện mấy trăm ngàn đồng tuỳ loại kit, còn PCR lên tới mấy triệu đồng. Như vậy, không chỉ tốn chi phí mà còn lãng phí nguồn lực hiện nay của cơ sở y tế. Thay vì để tập trung điều trị cho bệnh nhân thì bây giờ lại dùng để tầm soát. Hiện tại theo tỷ lệ thống kê của TP thì 98-99% người xét nghiệm âm tính. Nên dùng tiền xét nghiệm đó để mua vaccine chích ngừa sẽ tốt hơn. 

Những người đã tiêm vaccine rồi có giá trị hơn không?

Theo nghiên cứu của thế giới, khi một người tiêm vaccine 1 mũi thì sau khoảng 4 tuần là kháng thể trong cơ thể được tạo ra, khả năng bảo vệ của cơ thể trước virus này vào khoảng 50-60%.

Theo BS. Vân, có nghĩa là 100 người thì có 60% sẽ có tiếp xúc với virus Sar-CoV-2 mà không hề có triệu chứng mắc bệnh, hoặc là có triệu chứng nhưng rất nhẹ, không trở nặng, không có tử vong.

Khi tiêm đủ 2 mũi tỷ lệ theo khuyến cáo của hãng (mũi 1 cách mũi 2 từ 8 - 12 tuần) thì hiệu quả bảo vệ lên tới 90-95%. Tức là trong 100 người thì có khoảng 5 người bị nhiễm và nếu có triệu chứng rất nhẹ. Đó là nguyên nhân tại sao những nhân viên của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới bị nhiễm nhưng không có dấu hiệu trở nặng và không phát hiệu triệu chứng cho tới khi làm PCR thì mới biết bị nhiễm.

Như vậy, đối với những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine thì nên được coi như giấy thông hành để đi lại. Tuy nhiên, theo BS. Vân, mọi người vẫn thực thi theo những quy định của TP đang ban hành là giãn cách xã hội toàn TP. Áp dụng 5K, nghiêm ngặt bảo vệ bản thân trước tất cả mọi người. Coi người đối diện như người F0 thực thụ. Nếu có cơ hội thì hãy tiêm vaccine ngay.

Doanh nghiệp có nên mua bộ test và tự xét nghiệm? 

Hiện nay, chưa có quy định cho DN tự tổ chức xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, theo BS. Vân, nếu DN có thể thực hiện để chủ động xét nghiệm để ngăn ngừa, giảm bớt thiệt hại thì nên tán đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng là test thế nào cho đúng và an toàn thì cần phải có sự tập huấn cụ thể. DN muốn tự test, phải có kiến thức cơ bản để test cho đúng không lãng phí test đó. Đồng thời, bản thân DN phải được hướng dẫn để trong trường hợp khi test nhanh phát hiện trường hợp dương tính thì xử trí như thế nào.

Bộ Y tế đã cấp phép cho khoảng 20 loại test nhanh nhập khẩu từ Hàn, Mỹ, Anh, Ấn Độ… trong đó có test do Việt Nam sản xuất. Theo giá được Nhà nước quy định tại bệnh viện công, giá xét nghiệm nhanh là 238.000 đồng/người/lần test. Giá xét nghiệm PCR là hơn 734.000 đồng/lần/người test. Tuy nhiên, ở mỗi bệnh viện tư, đối với xét nghiệm nhanh Covid-19, tuỳ thuộc vào giá bộ kit nhập khẩu, mức giá có thể lên tới hơn 400.000 đồng/lần/người. Riêng xét nghiệm PCR thì tại các bệnh viện tư có giá xét nghiệm từ khoảng 1.500.000 -  3.000.000 đồng/người/lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Giấy thông hành" xét nghiệm Covid-19 làm khổ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO