Giảm 0,25%/năm với tất cả mức lãi suất là hợp lý

PV| 01/10/2019 01:34

Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng nay ngày 1/10/2019 cho biết, đến cuối tháng 9/2019, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tăng hơn 8,5% so với cuối năm 2018, tăng trưởng tín dụng hơn 8,6% so với cuối năm 2018. Cả năm 2019, NHNN ước tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%.

Giảm 0,25%/năm với tất cả mức lãi suất là hợp lý

Từ ngày 16/9/2019, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm với tất cả mức lãi suất. Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc giảm lãi suất trong thời gian này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vào những tháng cuối năm. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá trong 9 tháng đầu năm 2019 cũng được NHNN đánh giá tương đối ổn định; thanh khoản thị trường được đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ thông suốt; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, được đáp ứng đầy đủ, kịp thời…

Về vấn đề tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, từ nay đến năm 2021, toàn hệ thống ngân hàng sẽ phải hoàn thành đích giai đoạn 2 trong lộ trình tái cơ cấu. Hiện hệ thống đã có 11 ngân hàng được chấp thuận áp dụng Basel II. Lãnh đạo NHNN cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ đôn đốc để các ngân hàng còn lại sớm đạt Basel II. Về nợ xấu, tính đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống đã xử lý được gần 225.000 tỷ đồng nợ xấu (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%. Hết năm 2019, NHNN đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%.

Bảy tháng đầu năm 2019, trong lĩnh vực thanh toán, số lượng giao dịch tài chính điện tử đạt 226 triệu giao dịch (giá trị giao dịch khoảng gần 11 triệu tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt gần 202 triệu giao dịch (giá trị giao dịch gần 2,1 triệu tỷ đồng, đạt hơn 155% so với cùng kỳ năm 2018).

Nói về những tranh luận chung quanh việc tăng giá hay phá giá như các nước khác trên thế giới, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc phá giá hay tăng giá ở Việt Nam còn phải tính đến vấn đề chung trong tổng thể nền kinh tế, để điều hành hợp lý, tạo sự ổn định và lợi ích tốt nhất cho thị trường. Xuất khẩu chậm lại chịu tác động chủ yếu bởi diễn biến thị trường thế giới trong tình hình xuất khẩu nhiều nền kinh tế lớn cũng giảm tốc. Không thể chỉ nghĩ đến việc phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu mà không nghĩ đến hiệu quả nhập khẩu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm 0,25%/năm với tất cả mức lãi suất là hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO