Giải pháp phát triển cao su hiệu quả bền vững

Nguyễn Loan| 07/11/2019 05:02

Ngành cao su Việt Nam không chỉ là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn, mà còn đảm bảo kết cấu hạ tầng, an ninh trật tự, an sinh xã hội, nhất là khu vực đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc.

Giải pháp phát triển cao su hiệu quả bền vững

Ngành kinh tế quan trọng

Thông tin từ hội nghị “Phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 6/11/2019 tại TP.HCM cho thấy: Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) toàn ngành cao su Việt Nam ước đạt xấp xỉ 6,6 tỷ USD (trong đó, các sản phẩm cao su khoảng 2,32 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35,3% kim ngạch XK; các sản phẩm cao su thiên nhiên đạt khoảng 2,09 tỷ USD, chiếm 31,8%; nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm gỗ cao su khoảng 2,16 tỷ USD, chiếm 32,8%). 

Việt Nam cũng là quốc gia XK cao su thiên nhiên đến hơn 80 thị trường trong năm 2018 (Trung Quốc chiếm 66,7%, Ấn Độ 6,6%, Malaysia 3,8%, Đức 2,4%, Mỹ 2,4%...). Năm 2019, VN có khoảng 1 triệu ha cao su với gần 70% diện tích cho thu hoạch, 30% còn lại trong thời kỳ chuẩn bị cho mủ, năng suất bình quân 16,6 tạ/ha, đạt sản lượng trên 1.141 ngàn tấn/năm. Cả nước hiện có 257 doanh nghiệp (DN) tham gia chế biến các sản phẩm từ mủ cao su với công suất thiết kế 1,245 triệu tấn/năm.

Riêng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn nhất cả nước với 40.000 tỷ đồng vốn điều lệ (vốn nhà nước chiếm 96,77%). VRG có 107 công ty con, hoạt động trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố trong nước và 2 nước bạn Lào, Campuchia với 55 nhà máy chế biến công suất 494.050 tấn/năm. VRG còn đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su như bóng thể thao, găng tay y tế, gối nệm cao su thiên nhiên, băng tải cao su, các sản phẩm gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF… 

Ông Huỳnh Văn Bảo - Tổng giám đốc VRG cho biết: “Để nâng cao giá trị các sản phẩm cao su sau thu hoạch, VRG thực hiện việc chế biến mủ cao su nguyên liệu thành các sản phẩm mủ cao su sau chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng. Bên cạnh đó, các sản phẩm gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF sản xuất từ nguồn nguyên liệu gỗ, củi cao su cũng được tiêu thụ mạnh”. 

Khai thác lợi thế tiềm năng về đất đai, khí hậu, lao động của các địa phương, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thu hút vốn đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống văn hoá cho người lao động, nhất là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đây không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị, quốc phòng quan trọng cần có sự đầu tư thỏa đáng. Công tác tổ chức sản xuất phải theo định hướng tập trung, gắn công nghiệp chế biến với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất; mở rộng thị trường XK, nâng cao giá trị các mặt hàng cao su thiên nhiên. 

Để đạt mục tiêu trên, ông Trần Tuệ Hiền - Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước cho rằng: Các DN cần đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh trong XK các mặt hàng cao su. Bên cạnh đó, phải trú trọng thị trường nội địa, sản xuất ra các sản phẩm từ cao su chất lượng, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ và mặt bằng thu nhập của người tiêu dùng trong nước. 

Nhiều khó khăn thử thách

Diện tích trồng cao su tăng nhanh đột biến trong giai đoạn 2010-2015, thậm chí một số địa phương trồng ngoài quy hoạch, không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu… gây thiệt hại cho người sản xuất và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh. Giá cao su thị trường thế giới liên tục giảm từ năm 2015 đến năm 2019 cũng là thách thức lớn đối với ngành cao su VN, trong khi các sản phẩm cao su chế biến chủ yếu là nguyên liệu thô, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc (66,7% kim ngạch XK). 

Nằm trong nhóm các nước XK cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới (chỉ sau Thái Lan, Indonesia) nhưng công nghệ chế biến của ta còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Tuy giá trị XK sản phẩm cao su tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây (bình quân 18%/năm), nhưng Việt Nam lại là nước phải nhập khẩu (NK) sản phẩm cao su có giá trị tới 2,05 tỷ USD (năm 2018, tăng 8,7% so với năm 2017), trong đó có nhiều mặt hàng thuộc danh mục VN đang XK như: linh kiện cao su, cao su kỹ thuật, lốp xe, găng tay, đế giày.

Ngoài ra, ngành cao su còn phải chịu áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà bởi rào cản phi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do mà VN đã ký kết. Khi cao su thiên nhiên NK được hưởng thuế suất 0%, chắc chắn DN sản xuất sẽ lựa chọn nguồn cung từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia bởi chất lượng và chủng loại đa dạng, đảm bảo hơn. DN trong nước vẫn phải thực thi chính sách thuế chưa hợp lý (kê khai, nộp thuế VAT đối với cao su sơ chế giống như các mặt hàng nông sản sơ chế khác, đóng thuế thu nhập từ gỗ cao su trên vườn cây thanh lý…); chưa tiếp cận kịp thời thông tin thị trường… 

Giải pháp tháo gỡ

Theo đề nghị của ông Lò Minh Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Trung ương và các bộ, ngành sớm ban hành hướng dẫn quy trình tổ chức triển khai các nội dung ký kết hợp đồng góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hợp tác đầu tư thực hiện dự án phát triển cây cao su cho các địa phương; ban hành sớm chính sách hỗ trợ phát triển trên địa bàn các tỉnh có diện tích trồng cao su, chú trọng đến đào tạo nghề. Đồng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch HĐQT VRG đưa ra nhiều giải pháp: Cần có đơn vị quản lý nhà nước về thương hiệu, quy chuẩn quốc gia về XNK; có chính sách hỗ trợ cụ thể về thuế, tài chính; chính sách hỗ trợ đặc thù cho DN cao su đầu tư tại Lào, Campuchia… 

Giải quyết các vấn đề căn cơ, tạo đà phát triển cho ngành cao su VN, ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: Phải có cái nhìn toàn diện hơn về ngành cao su, bởi đó không chỉ là nguồn thu nhập chính của người nông dân vùng sâu, vùng xa mà còn là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Cao su không chỉ là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn mà còn đảm bảo kết cấu hạ tầng, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.

Năm vấn đề trọng tâm theo ông Cao Đức Phát: Thứ nhất, xác định cao su luôn là nòng cốt, điểm tựa phát triển kinh tế xã hội ở nhiều địa phương, là cây trồng có lợi thế, có khả năng cạnh tranh cao của nền nông nghiệp VN. Thứ hai, tập trung phát huy lợi thế của ngành một cách toàn diện, hiệu quả trên tất cả lĩnh vực: chính trị, kinh tế xã hội, môi trường, an sinh, an ninh quốc phòng và ngoại giao. Thứ ba, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT, VRG làm việc kỹ hơn với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để điều chỉnh các chính sách liên quan về đất đai, thuế, vay ưu đãi tín dụng; chính sách hỗ trợ ngành cao su ở miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; kiến nghị Chính phủ chuyển đổi DN cao su thành DN xã hội (trước mắt, thí điểm ở một số đơn vị miền núi phía Bắc). Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ cao su. Điểm mấu chốt cuối cùng: Cần sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương. Ban Kinh tế Trung ương sẽ trực tiếp báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương để có chính sách hỗ trợ ngành cao su Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp phát triển cao su hiệu quả bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO