Gập ghềnh con đường phục hồi nền kinh tế

Nguyễn Hoàng| 25/06/2020 03:44

Những thống kê gần đây cho thấy, sản lượng từ ngành công nghiệp, nông nghiệp, mức đầu tư và tiêu dùng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong tháng 5. Tuy nhiên, rất ít số liệu chỉ ra quy mô phục hồi đủ lớn sau dịch Covid-19 để nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

trang-6-2-3134-1593057122.jpg

Đến nay, dù đã kiềm chế được đại dịch, nhưng giới phân tích vẫn lo ngại cho triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo PGS-TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nền tảng kinh tế nước ta còn yếu, thâm hụt tài khóa cao, ngân sách dành cho đầu tư phát triển thấp, tăng trưởng vẫn phụ thuộc nặng nề vào FDI. Những nhược điểm ấy nếu không sớm được cải thiện sẽ không chỉ cản trở sự hồi phục trong ngắn hạn mà còn ảnh hưởng xấu tới sự ổn định của nền kinh tế trong dài hạn.

Sự ảm đạm của ngành công nghiệp cho thấy sức tiêu dùng vẫn chưa quay trở lại như trước đại dịch. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 tăng 11,2% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, kinh tế khu vực Đông Nam Á được dự báo chỉ tăng 2,7% trong năm nay trước khi tăng lên 5,2% trong năm 2021. Mức tăng trưởng giảm được dự báo ở các nền kinh tế lớn trong ASEAN do những biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội gây ảnh hưởng tới mức cầu và đầu tư, như Indonesia tăng trưởng -1,0%, Philippines -3,8%, Thái Lan -6,5%. Việt Nam được dự báo đạt mức tăng trưởng 4,1% trong năm 2020. Mặc dù con số này thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), song đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất được kỳ vọng tại Đông Nam Á.

Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhận định, các nền kinh tế trong khu vực sẽ tiếp tục bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm nay, ngay cả khi các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng và những hoạt động kinh tế chọn lọc được bắt đầu lại trong kịch bản "bình thường mới". Mặc dù ADB nhận thấy triển vọng tăng trưởng cao hơn của khu vực ASEAN trong năm 2021, song không phải là sự phục hồi theo hình chữ V. Ông Yasuyuki Sawada nói: "Các chính phủ cần tiến hành những chính sách để giảm tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và bảo đảm không bùng phát những đợt dịch mới".

45656546-1111-1593057122.jpg

Trong báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 với chủ đề "Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển" mà VEPR công bố tuần trước, con số tăng trưởng kinh tế năm 2020 được nâng lên 5,5% theo kịch bản lạc quan nhất, cao hơn so với 4,2% mà tổ chức này dự báo hồi tháng 4. Theo PGS-TS. Phạm Thế Anh, mức tăng này được xây dựng với kịnh bản lạc quan nhất, dựa trên giả định bệnh dịch được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng 4/2020 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 6/2020, giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2020. Tuy nhiên, trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn chỉ dần hồi phục.

Nhưng vẫn có những dự báo bi quan, chẳng hạn bệnh dịch ở những trung tâm kinh tế - tài chính trên thế giới có thể tái bùng phát và các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III, thậm chí là quý IV/2020. Mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, chế biến, chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn. Và như vậy, mức tăng trưởng trong năm 2020 của kinh tế Việt Nam có thể là 3,9%, hoặc chỉ 1,7%.

Tin tốt là vẫn có những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Tiến độ giải ngân và thi công các công trình đầu tư công trọng điểm đang được đẩy nhanh. Chi phí nguyên liệu, nhiên liệu duy trì ở mức thấp do nhu cầu tiêu thụ và sản xuất suy giảm trên thế giới. Cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung, đồng thời tận dụng các FTA, lao động giá rẻ, ưu đãi thuế, quản lý môi trường lỏng lẻo của Việt Nam. Bên cạnh đó, lạm phát ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng. Đương nhiên, những hỗ trợ này có thể không đủ mạnh để chặn đà suy giảm kinh tế. Đại dịch Covid-19 có thể chứng kiến sự bùng phát trong giai đoạn sắp tới và các cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công không thể bị loại trừ, cũng như có nguy cơ về sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Con đường phục hồi kinh tế ở phía trước vẫn còn gập ghềnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gập ghềnh con đường phục hồi nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO