Gần 50% tổng tiền nợ thuế không có khả năng nộp ngân sách Nhà nước

Mỹ Hạnh| 22/10/2019 04:00

Tính đến 31/8/2019, tổng số tiền nợ thuế là 88.253 tỷ đồng, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu dự thảo Nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu dự thảo Nghị quyết.

Con số này được đề cập trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước. Dự thảo do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội sáng 22/10/2019 thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo Nghị quyết này quy định về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (sau đây gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

7 nhóm đối tượng không có khả năng xử lý nợ thuế

Về đối tượng xử lý nợ (gồm 7 nhóm đối tượng), Chính phủ cho biết căn cứ vào tình hình thực tế nợ, quy định pháp luật hiện hành và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Chính phủ trình Quốc hội đối tượng xử lý nợ là người nộp thuế có tiền nợ thuế (bao gồm cả tiền phạt, tiền chậm nộp) phát sinh trước ngày 1/7//2020 nhưng không có khả năng nộp ngân sách nhà nước bao gồm:

- Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự

Link bài viết

- Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể

- Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản

- Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế

- Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề

- Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ

- Người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán.

Về thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ.

Về thẩm quyền xóa nợ, đối với doanh nghiệp và tổ chức, Thủ tướng Chính phủ quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng;

Link bài viết

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp dưới 5 tỷ đồng;

Đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên cơ sở hồ sơ đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế.

Theo đề nghị của Chính phủ, thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ thuế

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh việc báo cáo Quốc hội có biện pháp để xử lý nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng trước ngày 1/7/2020. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc của việc xử lý nợ là nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế.

Cơ quan thẩm tra ghi nhận Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cho người nộp thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số nợ đọng không có khả năng thu hồi được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành rất thấp (chỉ bằng 0,51% số nợ không còn khả năng thu), trong khi các khoản nợ thuế này đều bị tính tiền chậm nộp (0,03%/ngày), dẫn đến số nợ đọng không có khả năng thu ngày càng tăng cao qua các năm.

"Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng nêu trên tính đến ngày 31/8/2019 là 15.779 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin. Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khoảng 15.779 tỷ đồng nợ thuế là nợ ảo, không còn khả năng thu vào ngân sách do người nộp thuế mất năng lực hành vi hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc các doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không còn khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian.

Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, những trường hợp được xóa nợ thuế phải bảo đảm đã thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế và phải nợ đủ 10 năm. Các khoản nợ hiện nay chưa đủ 10 năm. Ngoài ra là các trường hợp người nộp thuế đã chết, phá sản, giải thể, mất tích... không còn khả năng nộp ngân sách nhưng vẫn bị tính tiền phạt, chậm nộp.

“Số nợ này là nợ ảo, không còn khả năng thu vào ngân sách”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Đồng thời, Bộ trưởng cho biết, theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì các đối tượng này được khoanh nợ, tuy nhiên, Luật Quản lý thuế hiện hành không có quy định khoanh nợ. Đây là trường hợp phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực, nhưng lại chưa được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành.

"Vì vậy Chính phủ thấy cần thiết phải báo cáo Quốc hội cho cơ chế xử lý", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Cụ thể, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, nộp thuế là nghĩa vụ, nhưng kinh doanh thì có nhiều rủi ro, chủ doanh nghiệp có thể đã chết nên không có khả năng nộp thuế cho ngân sách.

Cơ quan thuế căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành đã tích cực xử lý nợ đọng thuế. “Kết quả những năm qua cho thấy, đã thu được 80% số nợ có khả năng thu hồi. Thế nhưng, nợ đọng thì không xử lý dứt điểm được do chưa có cơ chế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bởi vậy, Bộ trưởng Dũng cho rằng ban hành nghị quyết về vấn đề này là cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gần 50% tổng tiền nợ thuế không có khả năng nộp ngân sách Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO