FDI vẫn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

THIÊN YẾT| 16/05/2017 04:55

Cơ quan xếp hạng Moody's mới đây đã thay đổi điểm xếp hạng của Việt Nam từ "ổn định" sang "tích cực" - một sự tiến triển nhờ vào những con số thường được theo dõi tăng cao.

FDI vẫn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Trong báo cáo của Khối Nghiên cứu kinh tế - Ngân hàng HSBC Việt Nam về Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2017 với chủ đề "Trông đợi vào những con số” phát đi hồi đầu tuần, cơ quan xếp hạng Moody's đã thay đổi điểm xếp hạng của Việt Nam từ "ổn định" sang "tích cực" - một sự tiến triển nhờ vào những con số thường được theo dõi tăng cao.  

Đọc E-paper

Liên quan đến sản xuất, Việt Nam hiện đã trở thành thị trường quan trọng trong chuỗi cung ứng trong khu vực đối với một số mặt hàng như điện tử, đặc biệt điện thoại di động là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

"Như chúng tôi đã dự kiến, các lô hàng điện thoại xuất khẩu và phụ tùng đã phục hồi đáng kể so với sự sụt giảm đã thấy trong tháng 3. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng việc giới thiệu sản phẩm mới và nhu cầu toàn cầu đang dần phục hồi được phản ánh trong sự gia tăng bền vững của các đơn đặt hàng nước ngoài trong khảo sát chỉ số PMI (đo lường hoạt động trong khu vực sản xuất, gồm dữ liệu về việc làm, sản xuất, đơn hàng, lưu lượng hàng tồn kho...) sẽ làm cho xuất khẩu tăng mạnh trong các quý tiếp theo" - HSBC nhận định.

Ngành sản xuất của Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến tháng 4/2017, nguồn vốn FDI nhận được đã cao hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2016. FDI không chỉ giúp hình thành trữ lượng đệm giá ngoại hối mà còn giúp đưa nền kinh tế đi theo hướng sản xuất các mặt hàng bổ sung giá trị cao hơn.

Trong vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bốn tháng đầu năm 2017, trong khi vốn đăng ký chỉ ở mức 4,88 tỷ USD, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2016 thì vốn bổ sung từ các nhà đầu tư hiện hữu đã tăng đáng kể.

Theo đó, trong bốn tháng có 345 lượt đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm 4,36 tỷ USD, tăng 241,8 % so với cùng kỳ năm 2016 (cao hơn lượng vốn đăng ký và giá trị góp vốn, mua cổ phần) và đóng góp không nhỏ vào mức tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016 của tổng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn xem Việt Nam là điểm đến quan trọng.

Xét về thương mại, xuất khẩu trong tháng 4 đã tăng 16% so với năm ngoái (tháng trước tăng 14,3%). Trong đó, xuất khẩu của riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,5% (tháng trước đó tăng 13,1%). Ngược lại, xuất khẩu của khu vực trong nước chỉ tăng 3,7%. Điều đáng nói là xuất khẩu điện thoại và phụ tùng thay thế đã hồi phục với mức tăng 17,5% sau khi đã giảm 13,3% trong tháng 3.

Còn các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác, như hàng dệt may và giày dép, đã chậm lại trong tháng 4. Thêm nữa, tăng trưởng nhập khẩu chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức 23,8% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, điều này giúp thu hẹp thâm hụt thương mại.

Các yếu tố khác như lạm phát, tăng trưởng tín dụng cũng đang được kiểm soát ổn định, giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, về lâu dài, để tạo thế cân bằng giữa các khu vực kinh tế, khu vực doanh nghiệp trong nước cần cải thiện từ nội tại lẫn sự tác động của các chính sách, như hỗ trợ tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý, cải thiện hơn nữa thủ tục hành chính để tăng khả năng cạnh tranh trong hội nhập, dần khẳng định vị thế trong nền kinh tế nói chung.

>>Nền tảng nào cho tăng trưởng kinh tế dài hạn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FDI vẫn đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO