EVFTA tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam

18/02/2017 02:14

Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định thương mại tự do khả thi nhất đối với Việt Nam lúc này là EVFTA

EVFTA tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam

Khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP, hy vọng của Việt Nam về sự trỗi dậy vượt bậc nhờ vào Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến thời điểm này lại phụ thuộc rất nhiều vào hiệp định khả thi nhất – FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Hiệp định này tác động gì đến kinh tế và vị thế Việt Nam trong khu vực ASEAN?

Vấn đề này đã được các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ thương mại Việt Nam – EU và EU – ASEAN, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đưa ra thảo luận ngày 16/2 tại TP.HCM, nhất là những chuyển biến của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2018 – thời điểm EVFTA dự kiến đi vào thực thi.

Đừng mất cơ hội nữa

Ông Michael Behrens, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết EVFTA đi vào thực thi trong một năm tới (2018). Tiềm năng của EVFTA là rõ ràng; thực tế, hiệu quả có thể góp phần đáng kể vào kim ngạch thương mại giữa châu Âu và Việt Nam, hướng đến mục tiêu là một trong những nền tảng thương mại và đầu tư liên lục địa mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Cũng theo vị lãnh đạo EuroCham, với EVFTA, Việt Nam trở thành cầu nối giữa 500 triệu người châu Âu với hơn 500 triệu người dân ASEAN, đóng vai trò trung tâm của mạng lưới thương mại cho khoảng 1 tỷ khách hàng tiềm năng.

Nói về cơ hội của Việt Nam với ngành ô tô trong ASEAN khi EVFTA có hiệu lực, ông Chris Humphrey, Giám đốc Điều hành của Hội đồng DN ASEAN – EU, nhận xét: Việt Nam sở hữu lợi thế chi phí thấp; và với sự gia tăng sản xuất phụ tùng ô tô, EVFTA mang lại tiềm năng để Việt Nam trở thành một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh nhất của khu vực ASEAN vào 20 năm tiếp theo, như dự đoán của các nhà kinh tế học.

Tuy nhiên, ông Chris cũng lưu ý rằng vẫn còn nhiều thách thức do sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan và Indonesia, cũng như những vấn đề về cơ sở hạ tầng, thôi thúc Việt Nam nâng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật và tăng cấu phần sản xuất nội địa cho xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.

>>EVFTA: Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu vào EU

Ông Chris cũng thấy tiếc cho Việt Nam khi bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, nhất là hàm lượng nội địa trong sản xuất ô tô ở Việt Nam còn khá thấp. Vì thế, khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam không thể tiếp tục đánh mất cơ hội lần nữa, nhất là trong ba lĩnh vực chính như: dược phẩm, ô tô, may mặc/dệt may/giày dép.

Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam không thể tiếp tục đánh mất cơ hội lần nữa, nhất là trong công nghiệp sản xuất ô tô

Kết quả khảo sát gần đây của EuroCham cho thấy sự lạc quan của DN châu Âu tại Việt Nam hiện khá cao, chủ yếu do họ kỳ vọng vào EVFTA sắp có hiệu lực trong năm 2018.

Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại 51/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu ở các trung tâm kinh tế lớn như: Tp.HCM, Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đồng Nai.

Tạo nền tảng thương mại

Các DN EU cho rằng, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản và thực phẩm đang mở ra đầy triển vọng bởi Việt Nam hiện có nhiều công ty sản xuất chế biến đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của EU với chi phí nhân công hợp lý, đặc biệt là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến rất phong phú, đa dạng và sẵn có.

Ông Francisco Fontan, Đại sứ EU tại ASEAN, cho biết: EU đang tiến hành đàm phán hàng loạt Hiệp định FTA với một số nước ASEAN nhằm đem lại cơ hội mở rộng thị trường cho các DN EU.

Trong số đó, đàm phán FTA với Việt Nam và Singapore đã kết thúc thành công. EU và Việt Nam luôn là hai đối tác vững chắc và đáng tin cậy trong kinh doanh đối với ASEAN cũng như với thế giới.

Cho rằng Việt Nam đã và đang là quốc gia xuất siêu vào thị trường EU, bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán, Trưởng bộ phận Kinh tế và Thương mại thuộc Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho rằng cần có cơ hội để cân bằng lại, thông qua EVFTA.

Nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, theo bà Miriam, ở Singapore, giá trị của lĩnh vực dịch vụ luôn cao hơn so với Việt Nam. Hy vọng rằng, khi EVFTA có hiệu lực năm 2018, lĩnh vực dịch vụ giữa hai bên sẽ tốt hơn.

Bà Miriam khẳng định: EVFTA có tham vọng toàn diện, là mục tiêu lớn để EU đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Mức độ mở cửa của Việt Nam là bằng chứng cho thấy thiện chí của Việt Nam luôn sẵn sàng cho hội nhập toàn cầu.

Tuy nhiên, như lưu ý của vị nữ tham tán này, vấn đề là thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao; thực tế, Việt Nam chưa phải là quốc gia có nguồn hàng hóa chất lượng cao. Thông qua EVFTA, EU có thể hỗ trợ Việt Nam cải thiện vấn đề này.

Còn theo quan điểm của TS. Lê Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc và Trưởng phòng Nghiên cứu của Quỹ đầu tư Dragon Capital, với tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động cao, mức độ phát triển tầng lớp trung lưu đứng thứ hai trên toàn thế giới, năng suất sản xuất liên tục gia tăng, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các DN EU.

Mặc dù vậy, ông Tuấn nhấn mạnh, “cửa sổ cơ hội” này sẽ khép lại trong vòng 7 – 10 năm tiếp theo vì những lợi thế cạnh tranh này sẽ giảm dần!

>>Xuất khẩu gạo sang EU: Lấy chất bù lượng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EVFTA tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO