Dự toán ngân sách 2019 vẫn tồn tại những hạn chế

SONG ANH| 23/11/2018 04:26

PGS-TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, cho rằng thách thức với chính sách tài khóa và quản lý tài chính công là thu, chi ngân sách nhà nước, bội chi và nợ công, việc phân cấp tài khóa và cơ chế quản lý tài chính.

Dự toán ngân sách 2019 vẫn tồn tại những hạn chế

Ảnh minh họa: Quý Hòa

pgs ts vu sy cuong du toan ngan sach 2019 doanhnhansaigon* Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Dự toán ngân sách 2019, ông quan tâm đến điểm nào nhất?

- Dự thảo Dự toán ngân sách 2019 được xây dựng một cách thận trọng với một số ưu điểm, dự báo tăng hạn chế so với dự toán của năm 2018, các nguồn thu cũng chi tiết hơn. Cụ thể, số thu liên quan đến đất của dự toán năm 2019 chỉ tăng 4,7%, thấp hơn rất nhiều so với 5 năm gần đây. Cạnh đó, số thu nội địa trong dự thảo này chỉ tăng 1%, trong khi dự thảo năm 2018 tăng tới 34% - một mức quá cao.

Tuy nhiên, dự toán ngân sách năm 2019 vẫn có những hạn chế như những năm trước.  Thứ nhất, dự thảo về chi vẫn chung chung, với con số tổng, không cụ thể từng lĩnh vực. Thứ hai, dự thảo về chi đầu tư không chi tiết, trong khi luật hiện hành quy định chi đầu tư phải chi tiết từng lĩnh vực như chi thường xuyên.

* Theo dự toán này, theo ông thì có rủi ro nào đối với nguồn thu ngân sách không?

- Điều tôi băn khoăn trong dự toán ngân sách 3 năm gần đây đều dự toán số thu từ thuế và phí giảm, trong khi nó phải tăng theo chiến lược của ngành thuế. Số thu từ thuế và phí trong GDP của năm 2017 là 22,7%, năm 2018 là 19% nhưng đến năm 2019 chỉ còn 18,7%. Điều đó cho thấy xu hướng thu thuế và phí trong GDP đang trong xu hướng giảm.

Thuế và phí là nguồn thu quan trọng nhất, nhưng nước ta đang bù đắp bằng các khoản thu không ổn định và bền vững, từ sử dụng đất đai, tài nguyên, bán tài sản nhà nước. Điều này sẽ gây rủi ro rất lớn cho ngân sách về dài hạn. Cạnh đó, nước ta luôn trì hoãn việc xây dựng hệ thống thuế phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng, ngân sách sẽ khó bền vững trong dài hạn nếu tỷ lệ thu thuế và phí tiếp tục thấp. Do đó, không có cách nào khác, nước ta phải nâng tỷ lệ thu từ thuế và phí trong ngân sách lên mức cao hơn.

* Ông nói gì về phản ứng của người dân mỗi lần tăng thuế, phí?

Chính phủ trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước năm 2019:

- Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.411.300 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 1.173.500 tỷ đồng, đạt 83,2% tổng thu, thu dầu thô 44.600 tỷ đồng, thu cân đối xuất nhập khẩu 189.200 tỷ đồng và thu viện trợ 4.000 tỷ đồng.

- Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước dự toán cho năm 2019 là 1.633.300 tỷ đồng.

- Dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 là 3,6% GDP, nợ công 61,3% GDP.

- Phản ứng của người dân đối với việc tăng thuế, phí là lẽ tự nhiên. Vấn đề là tại sao người dân lại phản ứng mạnh, trong khi các nước khu vực Bắc Âu, thu nhiều thuế hơn nhưng người dân không có phản ứng mạnh như vậy.

Đến nay, các nước Bắc Âu được coi là hình mẫu phúc lợi xã hội tốt do thu ngân sách rất cao. Tỷ trọng thu ngân sách của các nước Bắc Âu lên tới 35 - 40% GDP, với chủ trương thu ngân sách cao và chi tiết kiệm. Trong khi đó, mức thu ngân sách nhà nước của Việt Nam không cao.

Nếu tính theo GDP, thu thuế chỉ quanh mức 18 - 21%, chưa đạt mức theo chiến lược thu từ thuế và phí của ngành thuế là 23% trong GDP.

* Như ông nói, vẫn cần điều chỉnh một số vấn dề trong dự toán ngân sách năm 2019?

- Đúng vậy. Thứ nhất, các yếu tố về nguồn thu trong báo cáo dự toán ngân sách nhà nước các năm cần được thống nhất để đảm bảo theo dõi được trong dài hạn. Tránh tình trạng dự toán khi được công bố có bổ sung thêm một số chi tiết thu ngân sách, nhưng đến giữa năm, những yếu tố này không còn nữa.

Thứ hai, cần giảm thiểu những yếu tố tác động bởi cơ chế lồng ghép ngân sách ngay khi lập dự toán. Phần chi ngân sách chỉ dự toán được lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ, còn những phần khác đều không có con số chi tiết, dẫn đến việc con số bị thay đổi vào cuối năm, dù được Quốc hội thông qua.

Đến nay, nước ta vẫn sử dụng ngân sách lồng ghép - một mô hình đã lạc hậu trên thế giới. Những cải cách liên quan đến ngân sách vẫn mang tính nhỏ lẻ, không thay đổi được cơ bản sự khác biệt giữa dự toán và quyết toán cũng như những vấn đề có liên quan. Gần đây nhất, dù có nhiều nỗ lực khi xây dựng Luật Ngân sách nhà nước năm 2018 nhằm xóa bỏ cơ chế lồng ghép trong Luật Ngân sách, nhưng vẫn chưa thay đổi được tình trạng này.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự toán ngân sách 2019 vẫn tồn tại những hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO