Dự án FDI vào Việt Nam: Lượng hay chất?

04/01/2011 09:27

Thông tin về các dự án FDI lớn đầu tư vào VN trong năm 2011 liên tục được công bố trong thời gian gần đây thực sự là một tín hiệu vui trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn.

Dự án FDI vào Việt Nam: Lượng hay chất?

Thông tin về các dự án FDI lớn đầu tư vào VN trong năm 2011 liên tục được công bố trong thời gian gần đây thực sự là một tín hiệu vui trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn.

Formosa Plastics Group, một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất Đài Loan dành 8 tỷ USD xây dựng một nhà máy thép cácbon tại VN với mục tiêu đưa nhà máy trở thành nhà máy thép lớn thứ hai châu Á và lớn thứ 6 trên thế giới. Dự kiến, nhà máy bắt đầu hoạt động trong 3 năm tới.Tiếp đó Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An do Công ty liên doanh đầu tư Genting VinaCapital làm chủ đầu tư đang được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho các cơ quan chức năng lập thủ tục cấp phép. Cách đây không lâu theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2011 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đồng thực hiện VN vươn lên 10 bậc, đứng thứ 78/183 nước theo bảng xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh năm 2011.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng không nên chỉ nhìn vào số lượng mà cần phải nhìn vào chất lượng để đánh giá đầy đủ bức tranh tổng thể về đầu tư FDI tại VN để từ đó có chính sách thích hợp thu hút được các dự án đầu tư công nghệ cao thay vì “tận dụng nhân công giá rẻ”.

Thực tế cho thấy xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư Châu Á tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc sang VN diễn ra khá mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên kỳ vọng về các dự án FDI đưa công nghệ cao vào VN sau 20 năm thu hút FDI chưa đạt được. Hàng loạt bất cập đã bộc lộ: Những DN FDI chủ yếu sử dụng lao động không tay nghề với giá rẻ trong nhiều cơ xưởng lắp ráp những mặt hàng tiêu thụ sơ cấp; Dòng vốn này cũng không tạo ra nguồn cung ngoại tệ như mong muốn vì giá trị nhập khẩu của khu vực FDI quá lớn so với giá trị xuất khẩu; DN FDI lãi, nhưng khai lỗ, tránh trả thuế doanh lợi, không đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước; Bệnh thành tích và ăn chia khiến các chính quyền địa phương thi nhau gọi dự án FDI. Điều này dẫn đến tình trạng giẫm chân lên nhau đến hỗn loạn, không đánh giá đúng đắn tác động của nhiều DN FDI trên môi trường và phát triển bền vững. Thậm chí đã có những dự án FDI đăng ký lên tới hàng tỷ USD sau đó đã bị thu hồi vì không có khả năng triển khai...

Ở VN Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc là một trong những doanh nghiệp điển hình trong việc thu hút các dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư “chất lượng cao” như: tập đoàn Canon, tập đoàn Foxconn, tập đoàn MiTac, Sayo... và mới đây là tập đoàn Wintex chuyên sản xuất màn hình touch screen cho Iphone và Ipad.

Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cho rằng: Lựa chọn và mời gọi các nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao là con đường ngắn nhất để VN tham gia chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, đồng thời khắc phục những bất cập hạn chế trong việc thu hút FDI tại VN. Tại sao ở Đài Loan có những khu công nghiệp chỉ rộng khoảng 10 ha nhưng lại có doanh số lên tới 100 tỷ USD, tương đương với khoảng 10% GDP của VN ? Bởi vì họ đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. VN cũng hoàn toàn có thể làm được điều tương tự nếu có một chiến lược cụ thể và hành động thích hợp.

Những dự án đầu tư công nghệ cao có doanh thu lên tới hàng tỷ USD/năm tại VN đã bắt đầu xuất hiện, như dự án đầu tư của tập đoàn Canon dự kiến năm 2010 sẽ đạt doanh thu 1,5 tỷ USD xuất khẩu. Nhưng có một thực tế mà Canon hay rất nhiều nhà đầu tư FDI khác thường nhắc đến đó chính là sự thiếu hụt của công nghiệp phụ trợ.

Đến lúc này, chiến lược về công nghiệp phụ trợ được nhiều nhắc đến nhiều và được đưa ra tại không ít các hội thảo, hội nghị nhưng vẫn phải chờ và cần những hành động cụ thể. Và như vậy sự thay đổi về “chất” trong thu hút đầu tư FDI sẽ vẫn phải chờ?!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dự án FDI vào Việt Nam: Lượng hay chất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO