Đồng hành, sáng tạo...

Anh Vĩnh| 10/08/2020 05:14

Đợt bùng phát Covid-19 lần này tại Đà Nẵng và lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội. Có thể nói chưa bao giờ công tác dự báo kinh tế vĩ mô và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp (DN) lại khó đoán định như hiện nay. Có quá nhiều yếu tố bất định như thương chiến Mỹ - Trung, tranh chấp biển Đông, chuẩn bị bầu cử Tổng thống Mỹ... và đặc biệt là dịch Covid-19.

Ngay dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín cũng thay đổi liên tục trong một thời gian ngắn. Nếu hồi tháng 3 năm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 khoảng 4,9%, nhưng tại báo cáo gần nhất, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng GDP về còn 2,9%.

Khác với đợt dịch hồi đầu năm, lần này Chính phủ đã có kinh nghiệm, bản lĩnh và sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa an toàn sức khỏe cho người dân, vừa phát triển kinh tế.

Theo đó, Chính phủ chỉ áp dụng giãn cách xã hội tại các vùng dịch và vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng nhóm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu nội địa và đẩy nhanh đầu tư công hiệu quả...

vietnam-covid-9396-1597045209.jpg

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang tập hợp dữ liệu, xây dựng kịch bản điều hành chi tiết, đầy đủ và sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng 8.

Trong đợt dịch Covid-19 đầu năm, Chính phủ đã kịp thời nghiên cứu và đưa ra các giải pháp hỗ trợ để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn như không điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước kiểm soát giá, miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn và cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ...

Mặc dù các giải pháp hỗ trợ trên được đánh giá rất phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng DN. Tuy nhiên, theo phản ánh của DN, quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn khá nhiều hạn chế, bất cập. Chính phủ cần đánh giá sơ bộ hiệu quả tình hình triển khai các giải pháp vừa qua để có chính sách mới phù hợp theo hướng sáng tạo mà theo các chuyên gia cần có giải pháp không bình thường trong giai đoạn không bình thường mới.

Link bài viết

Theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), giai đoạn từ nay đến cuối năm, nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì được sự an toàn, các quốc gia khác khống chế được dịch bệnh, các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam với các nước được nối lại thì sản xuất kinh doanh của các DN sẽ có cơ hội phục hồi nhanh hơn. Song song đó, Chính phủ nên tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, đẩy mạnh đầu tư công có hiệu quả thì 6 tháng cuối năm, tình hình DN sẽ có cải thiện quan trọng, sản xuất sẽ được phục hồi tốt hơn.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh đầu tư công, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KHĐT đã chủ động triển khai nhiều biện pháp. Theo đó, từ nay đến cuối năm, hàng loạt nhóm giải pháp sẽ được thực thi và có sự giám sát, đặc biệt là hiệu quả đầu tư công.

Bộ KHĐT cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thúc đẩy giải ngân tại các tỉnh, thành và đề nghị các địa phương chủ động rà soát các khó khăn vướng mắc của các dự án chưa giải ngân, tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là các dự án ODA để chủ động điều chỉnh nội bộ trong địa phương hoặc đề xuất điều chuyển vốn sang các địa phương khác để Bộ KHĐT tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền ngay trong tháng 8 này. Tinh thần này của Bộ KHĐT là hết sức trách nhiệm và tích cực.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, DN cũng cần nhiều đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới. Một ví dụ trong hoạt động bán hàng, DN phải đẩy mạnh thương mại điện tử hiện thực hóa nền thương mại không biên giới trên tất cả góc độ, thời gian, không gian và xã hội. Thị trường toàn cầu, khách hàng toàn cầu là cơ hội và là thách thức với cả các DN lớn và các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Theo ông Lộc, sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đặt hàng người sản xuất dẫn dắt nền sản xuất theo phương thức C2B chứ không chỉ là B2C, người tiêu dùng chọn mua sản phẩm được tiếp thị bởi nhà sản xuất sẽ trở thành xu thế toàn cầu...

Bên cạnh những hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, ông Chu Tiến Dũng cũng cho rằng, DN luôn phải chủ động, sáng tạo và phải xác định "tự vượt lên chính mình". Qua đại dịch Covid-19, các DN phải nhìn lại mình, tự tái cơ cấu lại để tồn tại và nâng cao hiệu quả. Qua khó khăn, các DN cũng cần xích lại gần nhau hơn, tìm kiếm cơ hội để liên kết với nhau, để cùng cải thiện điều kiện kinh doanh cho có hiệu quả.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong điều hành để nâng cao hiệu quả là những quyết định quan trọng để DN phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Thực tiễn qua phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, những DN nào ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0, số hóa trong kinh doanh, thực hiện mạnh các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh... thì đều phát triển ổn định hơn.

Để đạt được mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh an toàn, vừa tăng trưởng sản xuất, Chính phủ và DN cần có quyết tâm, đồng lòng, sáng tạo trong điều hành vĩ mô và sản xuất kinh doanh của mình. Từng doanh nghiệp không thể thụ động chỉ trông chờ các chính sách hỗ trợ, các gói tín dụng bởi nguồn tiền cho các vấn đề này sẽ không bao giờ đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng hành, sáng tạo...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO