Đói vốn còn mắc nghẹn

Nguồn SGTT| 27/09/2009 07:57

Trong vòng nửa năm, có đến ba lần nông dân miền Tây nuôi hy vọng được vay vốn từ ba gói tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.

Đói vốn còn mắc nghẹn

Trong vòng nửa năm, có đến ba lần nông dân miền Tây nuôi hy vọng được vay vốn từ ba gói tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, những nhà sản xuất trong nước cũng phải ngáp dài dù công nghệ tự bươn chải của họ không ít lần được ca tụng.

Những máy nổ công suất nhỏ do trong nước sản xuất, nông dân có thể tự mua, không cần vay vốn hỗ trợ. Ảnh: Ngọc Tùng

Ở gói tín dụng đầu tiên hỗ trợ lãi suất 4% trong ngắn hạn, có nhiều tổ chức tín dụng tham gia nhưng tới quyết định ngày 4.4 cho vay vốn trung và dài hạn, số lượng đã giảm đi. Đến quyết định 497 hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc ngày 17.4.2009, còn rất ít tổ chức tín dụng thực hiện được.

Tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, đến tháng 8.2009, có 36 trên tổng số 39 tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn triển khai theo gói tín dụng đầu. Do thời hạn cho vay chỉ có tám tháng, dư nợ cho vay ở mức gần 10.000 tỉ đồng. Ở gói thứ hai, chỉ có 22 tổ chức tín dụng tham gia, với dư nợ cho vay 223 tỉ đồng, chiếm khoảng 0,8% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.

Nông dân nhịn thèm

Tuy giảm gần 39% đơn vị tham gia, nhưng gói thứ hai vẫn còn đỡ hơn gói cho nông dân mua máy móc. Hiện chỉ có một đơn vị tín dụng triển khai được cho 21 khách hàng với 705 triệu đồng vốn đã được giải ngân. Ông Lê Văn Lực, nông dân xã Đông Hiệp (Cờ Đỏ – Cần Thơ) nói: “nếu mua một máy bơm nước giá trị chỉ vài triệu đồng thì nông dân không ngồi chờ gói hỗ trợ. Nhưng khi mua máy cày, máy cắt… với giá trị vài trăm triệu thì thời gian phải trả vốn trong hai năm, khó lo kịp nên ít người dám vay”.

Dự tính xây dựng dây chuyền sản xuất lúa giống hoàn chỉnh, ông Trần Hoàng Minh, nông dân sản xuất lúa giống có tiếng ở huyện Thoại Sơn (An Giang) tính toán, trước mắt là đăng ký nhãn hiệu, đầu tư máy sấy lúa giống; sắm xe tải nhỏ, cũng phải mất 300 triệu đồng. “Thời hạn vay theo quy định chỉ có 24 tháng nên không dám vay”, ông Minh nói. Nông dân Nguyễn Trung Trực ở xã Trung Hiếu (Vũng Liêm – Vĩnh Long) còn eo sèo hơn, khi muốn vay vốn mua máy gặt đập liên hợp nhưng ngân hàng đặt đủ thứ yêu cầu và kẹt hơn hết là sổ đỏ nằm trong ngân hàng rồi nên… nhịn thèm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ, những ràng buộc về xuất xứ hàng hoá là rào cản khiến nông dân khó tiếp cận nguồn vốn. Trong thực tế, hàng hoá mà người dân có thể mua và được hỗ trợ lãi suất theo danh mục bộ Công thương công bố thì rất ít, trong khi thị trường lại có rất nhiều loại khác. Bà Trần Thị Miêng, phó cục trưởng cục Chế biến, thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã thừa nhận, chỉ có bảy trong tổng số 37 ngân hàng thương mại trong cả nước có dư nợ theo quyết định 497.

Nhà sản xuất chùn tay

Ông Võ Hoàng Thống, nhân viên thị trường, công ty TNHH một thành viên Động cơ máy nông nghiệp Miền Nam cho rằng, rất nhiều nông dân hỏi mua các loại máy móc của đơn vị này, nhưng phần lớn không vay được tiền để mua.

Từ đầu năm tới nay cơ sở Út máy cày của ông Huỳnh Văn Út (Đồng Tháp), mới xuất xưởng được 10 máy liên hợp gặt đập. Theo ông Út, trong kết cấu máy của cơ sở Út máy cày còn phải sử dụng động cơ, hộp số truyền động, bánh xích cao su nhập khẩu từ Nhật Bản nên hàm lượng nội địa hoá thấp, và dừng lại ở mức độ lắp ráp nên không đáp ứng điều kiện cho vay theo quyết định 497. Ông Út giải thích, máy gặt đập phải sử dụng động cơ từ 40 – 50 mã lực trở lên, trong khi các loại động cơ sản xuất trong nước thường chỉ vài mã lực. Ông Út cho biết, các cơ sở sản xuất máy gặt đập liên hợp trong nước đều phải làm vậy.

Trong khi cơ sở ông Út không bán được hàng, có 30 máy gặt đập liên hợp của Nhật được nông dân Đồng Tháp mua về. Trước thực tế đó, Út máy cày buộc phải đổi mẫu mã, bán với giá 190 triệu đồng, giảm phân nửa so với máy hiện có và hy vọng kiếm lợi ở công đoạn sửa chữa và việc bán phụ tùng cho máy của cơ sở lẫn máy Nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đói vốn còn mắc nghẹn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO